Loader logo

Cứng khớp gối kéo dài có dẫn đến dính khớp không?

thumbnail
By Optimal365 Chiropractic
13/05/2025
|

Cứng khớp gối tình trạng nhiều người thường chủ quan bỏ qua khi cảm thấy khó gập, khó duỗi đầu gối vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu. Không ít người lầm tưởng đây chỉ là biểu hiện mỏi khớp thông thường. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, cứng khớp gối có thể tiến triển thành dính khớp, là một biến chứng nghiêm trọng làm suy giảm khả năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Bài viết sau, Optimal365 Chiropractic sẽ giúp bạn nhận diện nguyên nhân, dấu hiệu sớm và cách cải thiện hiệu quả tình trạng cứng khớp gối.

Cứng khớp gối là gì? Phân biệt với đau khớp thông thường

Cứng khớp gối là tình trạng giảm hoặc mất khả năng vận động linh hoạt của khớp gối, đặc trưng bởi cảm giác khớp bị “kẹt”, khó duỗi hoặc gập hết tầm. Triệu chứng thường khởi phát sau một thời gian bất động, điển hình là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau khi ngồi lâu, và có xu hướng cải thiện phần nào khi người bệnh vận động nhẹ nhàng.

Ngược lại, đau khớp gối thông thường (thường do quá tải cơ học hoặc viêm nhẹ mô mềm quanh khớp) biểu hiện chủ yếu bằng cảm giác đau nhức, âm ỉ hoặc dữ dội tại vùng gối khi vận động mạnh, nhưng không gây hạn chế rõ rệt biên độ cử động khớp. Người bệnh vẫn có thể gập duỗi khớp gần như hoàn toàn, dù có thể gặp đau khi thực hiện.

Điểm phân biệt quan trọng nằm ở chỗ:

  • Cứng khớp gối thường liên quan đến các thay đổi cấu trúc trong khớp (viêm, xơ hóa, co rút bao khớp), kéo theo nguy cơ dính khớp nếu không được can thiệp sớm.
  • Trong khi đó, đau khớp đơn thuần thường là triệu chứng phản ứng của mô mềm và ít gây giới hạn vận động nếu không kèm tổn thương thực thể nghiêm trọng.

Cứng khớp gối là gì?

Nguyên nhân phổ biến gây cứng khớp gối

Cứng khớp gối là tình trạng hạn chế hoặc mất đi tính linh hoạt của khớp gối, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác như gập, duỗi hoặc đứng lên, ngồi xuống. Trong thực hành lâm sàng, điều quan trọng là cần phân biệt rõ giữa mất vận động khớp do tổn thương thực thểgiới hạn vận động do đau hoặc sợ đau. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra hoặc góp phần dẫn đến tình trạng này, bao gồm:

1.Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây cứng khớp gối, đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi. Tình trạng này đặc trưng bởi sự mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và hủy hoại sụn khớp – xương dưới sụn, dẫn đến thoái triển cấu trúc khớp, hình thành gai xương, xơ hóa xương dưới sụn.
Cứng khớp thường xuất hiện sau khi nghỉ ngơi kéo dài (còn gọi là “dấu hiệu nhà hát”, khi người bệnh cảm thấy gối khó vận động sau khi ngồi một thời gian, nhưng cải thiện dần khi đi lại).

2. Viêm khớp cấp tính (bao gồm Gout)

Các đợt viêm khớp cấp tính như Gout thường biểu hiện bằng sưng, nóng, đỏ và đau dữ dội tại khớp gối. Mặc dù cảm giác “cứng” không phải là triệu chứng chính, nhưng phản xạ bảo vệ trước đau và tình trạng viêm mô mềm quanh khớp khiến người bệnh hầu như không thể vận động khớp, dẫn đến giới hạn vận động tạm thời hoặc kéo dài nếu không điều trị hiệu quả.

3. Viêm màng hoạt dịch khớp gối mạn tính không đặc hiệu

Tình trạng viêm kéo dài, tái phát nhiều lần tại một hoặc hai khớp gối có thể dẫn đến tăng sinh màng hoạt dịch, dày bao khớp và tích tụ dịch khớp. Quá trình viêm mạn tính này dần dần ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp, làm khớp gối trở nên kém linh hoạt, dễ cứng hoặc dính khớp nếu không kiểm soát tốt.

4. Bất động khớp kéo dài

Việc bất động khớp trong thời gian dài do đau, sau chấn thương, hoặc nằm lâu không vận động, có thể gây teo cơ, xơ hóa tổ chức phần mềm quanh khớp và giảm lưu thông dịch khớp. Điều này làm giảm nuôi dưỡng sụn và bao khớp, từ đó hình thành cứng khớp thứ phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi vận động.

5. Tư thế sai lệch và lối sống ít vận động

Việc duy trì các tư thế không hợp lý như ngồi xổm lâu, mang vác không đúng cách, hoặc lười vận động trong thời gian dài có thể dẫn đến mất cân bằng lực giữa các nhóm cơ quanh gối và làm tăng áp lực lên khớp. Đây là yếu tố nguy cơ âm thầm nhưng thường gặp trong cộng đồng người trẻ tuổi hiện nay, đặc biệt là nhóm làm việc văn phòng.

6. Y học cổ truyền

Trong Đông y, cứng khớp gối được cho là do sự tắc nghẽn khí huyết trong kinh lạc, khiến năng lượng và máu không thể lưu thông đều đến khớp. Nguyên nhân của sự tắc nghẽn này thường là do các yếu tố như đàm trọc (chất dịch dư thừa, ứ đọng trong cơ thể) hoặc huyết ứ (máu lưu thông kém, bị ứ đọng lại). Khi tà khí (gió, lạnh, ẩm…) xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là vùng gân xương, sẽ làm rối loạn dòng chảy của khí huyết, gây ra cảm giác đau nhức, co cứng khớp và về lâu dài có thể dẫn đến biến dạng khớp.

Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng cứng khớp gối

Cứng khớp gối là một tình trạng thường được mô tả bởi cảm giác khó khăn khi vận động khớp, đi kèm với cảm giác nặng nề, mệt mỏi hoặc giới hạn biên độ cử động của khớp. Đây có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý xương khớp khác nhau, bao gồm cả nhóm viêm khớp và thoái hóa khớp. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán sớm và phòng ngừa biến chứng như dính khớp hoặc mất chức năng vận động.

Một số dấu hiệu lâm sàng gợi ý tình trạng cứng khớp gối bao gồm:

1. Dấu hiệu “nhà hát” 

Đây là biểu hiện điển hình của thoái hóa khớp, trong đó người bệnh cảm thấy cứng khớp sau một khoảng thời gian ngồi bất động (ví dụ khi xem phim, làm việc văn phòng). Sau khi đứng dậy, khớp gối cần một khoảng thời gian “khởi động” để có thể đi lại bình thường. Tình trạng này thường không kéo dài nhưng lặp đi lặp lại và có thể tiến triển theo thời gian.

2. Cứng khớp buổi sáng

Cảm giác cứng, khó cử động khớp gối vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy, kéo dài hơn 30-60 phút, là một dấu hiệu gợi ý viêm khớp dạng thấp hoặc các thể viêm khớp mạn tính không đặc hiệu. Trái với thoái hóa khớp, tình trạng này thường liên quan đến phản ứng viêm tại bao hoạt dịch và mô mềm quanh khớp, đòi hỏi can thiệp điều trị sớm để tránh tổn thương cấu trúc khớp.

3. Khó khăn hoặc ngần ngại vận động do đau

Một số người bệnh mô tả cảm giác cứng khớp như là sự ngại cử động do đau, thay vì không thể cử động do giới hạn cơ học. Đau khi bắt đầu di chuyển sau nghỉ ngơi, hoặc đau tăng lên khi thực hiện động tác gập – duỗi, có thể dẫn đến tình trạng hạn chế chủ động, lâu dài có thể gây teo cơ và rút ngắn mô mềm quanh khớp.

4. Giới hạn vận động và cảm giác ma sát trong khớp

Khớp gối có thể không gập hoặc duỗi hết tầm, kèm theo tiếng lục cục, cảm giác khớp “kẹt” hoặc ma sát khi di chuyển. Đây là biểu hiện thường gặp trong cả thoái hóa khớp và các tổn thương sụn hoặc dây chằng quanh khớp.

5. Đau tăng khi cử động hoặc chạm vào khớp

Trong một số bệnh lý viêm khớp cấp tính như Gout, cứng khớp có thể đi kèm với các dấu hiệu viêm điển hình như sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội khi cử động hoặc khi chạm vào khớp. Dù không phải là “cứng khớp” theo nghĩa cơ học, nhưng cảm giác đau nặng nề khiến người bệnh không dám cử động, dẫn đến giới hạn vận động thứ phát.

Việc phân biệt giữa mất khả năng vận động thực sựgiới hạn vận động do đau là bước quan trọng trong tiếp cận chẩn đoán. Nếu các triệu chứng kể trên kéo dài, lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, người bệnh nên được thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp để xác định nguyên nhân và điều trị đúng hướng, tránh tiến triển thành dính khớp hoặc mất chức năng vận động.

>> Có thể bạn quan tâm:

Thoái hóa khớp gối là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không và 5 lưu ý quan trọng

Cứng khớp gối kéo dài có dẫn đến dính khớp không?

Cứng khớp gối kéo dài, nếu không được can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc mô quanh khớp, bao gồm xơ hóa, co rút bao khớp, dây chằng và gân cơ. Những biến đổi này làm giảm sự linh hoạt giữa các thành phần của khớp, tạo điều kiện hình thành dính khớp (là tình trạng khớp gần như mất hoàn toàn khả năng vận động).

Cơ chế này tương tự như đã được ghi nhận trong các bệnh lý khớp khác, như đông cứng khớp vai hoặc dính khớp sau phẫu thuật khớp hàm. Việc bất động kéo dài làm giảm nuôi dưỡng mô mềm quanh khớp, khiến viêm kéo dài, đau dai dẳng và hạn chế vận động ngày càng nặng.

Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể mất khả năng gập – duỗi gối, phải phụ thuộc vào dụng cụ hỗ trợ. Khi đó, điều trị bảo tồn như tập phục hồi chức năng thường ít đáp ứng, và có thể cần đến phẫu thuật bóc tách bao khớp hoặc thay khớp.

Do đó, mục tiêu quan trọng là giảm đau sớm, duy trì vận động hợp lý và phục hồi chức năng đúng cách ngay từ khi khớp bắt đầu cứng, để ngăn ngừa biến chứng dính khớp và bảo tồn chức năng vận động lâu dài.

Giải pháp điều trị và cải thiện cứng khớp gối hiệu quả

Việc điều trị cứng khớp gối cần cá thể hóa theo từng nguyên nhân cụ thể, mức độ tổn thương và khả năng đáp ứng của người bệnh. Mục tiêu chính là kiểm soát triệu chứng, phục hồi vận động và ngăn ngừa biến chứng như dính khớp. Các hướng điều trị hiện nay bao gồm:

1. Điều trị theo nguyên nhân

Cần xác định nguyên nhân nền để điều trị hiệu quả:

  • Thoái hóa khớp gối: gây tổn thương sụn, xương dưới sụn và xơ cứng bao khớp.
  • Viêm khớp cấp và mạn: như Gout, viêm màng hoạt dịch kéo dài.
  • Bất động lâu ngày: khiến nuôi dưỡng mô quanh khớp kém, làm nặng thêm cứng khớp.
  • Theo Y học cổ truyền: khí huyết ứ trệ, đàm thấp và can thận hư có thể gây co cứng, đau và giới hạn vận động.

2. Giảm đau – bước điều trị nền tảng

Kiểm soát đau giúp người bệnh hợp tác tốt hơn với quá trình phục hồi:

  • Dùng NSAIDs hoặc thuốc giảm đau theo chỉ định.
  • Trong một số trường hợp, có thể tiêm corticosteroid nội khớp ngắn hạn.

3. Phục hồi chức năng và tập vận động sớm

  • Tập chủ động – thụ động: đều đặn theo biên độ khớp sinh lý, nhiều lần trong ngày.
  • Vật lý trị liệu: tăng cường cơ lực, duy trì biên độ khớp, giảm viêm và đau.
  • Bài tập phù hợp: như đạp xe đạp tại chỗ, bơi lội, vận động không chịu trọng lượng giúp duy trì chức năng mà không gây quá tải lên khớp.
  • Xoa bóp – bấm huyệt: là lựa chọn hỗ trợ tốt trong Y học cổ truyền để cải thiện tuần hoàn và giảm co cứng.
    Vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối

>> Có thể bạn quan tâm: Vật lý trị liệu xương khớp là gì? Phân biệt với Chiropractic và bấm huyệt

4. Điều trị bằng thuốc

  • Y học hiện đại: sử dụng thuốc phù hợp theo nguyên nhân (thoái hóa, viêm, Gout…).
  • Y học cổ truyền: có thể sử dụng các bài thuốc cổ phương, thuốc Nam, kết hợp phương pháp không dùng thuốc như điện châm, cấy chỉ, đắp thuốc tại khớp (ví dụ bài thuốc Đại hoàng kết hợp điện châm được ghi nhận hỗ trợ giảm đau, phục hồi chức năng).

5. Điều trị ngoại khoa

Chỉ định khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả hoặc khớp đã bị tổn thương nặng:

  • Phẫu thuật bóc tách mô dính hoặc bao khớp.
  • Thay khớp gối: thường áp dụng cho người trên 60 tuổi có hạn chế vận động nặng và đau không kiểm soát.

6. Phòng ngừa tái phát và bảo tồn chức năng khớp

  • Tránh bất động khớp quá lâu, duy trì vận động nhẹ thường xuyên.
  • Tránh tư thế sai hoặc chấn thương đột ngột lên khớp.
  • Giữ cân nặng hợp lý, duy trì dinh dưỡng tốt cho sụn khớp (canxi, vitamin D, collagen type II…).
  • Ưu tiên các bài tập không chịu tải như bơi lội hoặc đạp xe đạp tại chỗ.

Khi nào cần đi khám chuyên khoa xương khớp?

Việc thăm khám chuyên khoa kịp thời đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán nguyên nhân gây cứng khớp gối và lựa chọn hướng điều trị phù hợp. Người bệnh nên đi khám khi xuất hiện một hoặc nhiều trong các dấu hiệu sau:

Cứng khớp kèm dấu hiệu viêm: Khớp gối bị cứng kèm sưng, nóng, đỏ có thể là biểu hiện của viêm cấp tính hoặc nhiễm trùng khớp, cần được thăm khám và xử trí sớm để tránh biến chứng.

Có dấu hiệu tràn dịch khớp: Khớp gối sưng to, căng tức bất thường có thể do tràn dịch khớp. Việc chẩn đoán nguyên nhân (viêm, chấn thương, thoái hóa…) đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa thực hiện chọc hút dịch để phân tích.

Cứng khớp buổi sáng kéo dài hơn 1 giờ: Triệu chứng này là dấu hiệu đặc trưng của các bệnh lý viêm khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, cần được đánh giá chuyên sâu.

Đau nhiều hoặc giới hạn vận động rõ rệt: Khi người bệnh gặp khó khăn đáng kể trong việc gập, duỗi gối do đau hoặc cứng khớp, đặc biệt nếu đau tăng khi vận động, đây là lý do cần khám chuyên khoa để loại trừ tổn thương cơ học hoặc viêm nặng.

Triệu chứng kéo dài hoặc tái phát nhiều lần: Cứng khớp lặp lại nhiều ngày hoặc tái phát liên tục, dù không rõ nguyên nhân, có thể là biểu hiện sớm của bệnh lý hệ thống hoặc viêm khớp mạn tính không đặc hiệu.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Ngay cả khi không có viêm cấp rõ rệt, nhưng cứng khớp khiến bạn đi lại khó khăn, mất linh hoạt khi đứng lên, ngồi xuống (ví dụ như “dấu hiệu nhà hát”), thì vẫn nên thăm khám sớm để ngăn tình trạng tiến triển nặng hơn.

Không cải thiện sau các biện pháp tự chăm sóc: Nếu bạn đã thử nghỉ ngơi, vận động nhẹ, chườm nóng/lạnh… nhưng triệu chứng không cải thiện sau vài ngày, nên đi khám để được tư vấn phác đồ điều trị bài bản, bao gồm phục hồi chức năng hoặc can thiệp chuyên sâu nếu cần.

Lời kết

Cứng khớp gối là tình trạng tưởng chừng đơn giản nhưng có thể dẫn đến dính khớp một biến chứng khó hồi phục nếu không được điều trị sớm. Việc lắng nghe cơ thể, nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động điều trị bằng các phương pháp phù hợp là chìa khóa để bảo vệ khả năng vận động của bạn.

Nếu bạn đang gặp tình trạng cứng khớp kéo dài, đừng trì hoãn việc thăm khám. Đội ngũ chuyên gia tại Optimal365 Chiropractic sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình khôi phục chức năng vận động, không xâm lấn, không dùng thuốc. 

 

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch