Rối loạn TMJ là hội chứng phức tạp ảnh hưởng đến khớp nối giữa xương hàm dưới và hộp sọ. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Đau mặt Hoa Kỳ (American Academy of Orofacial Pain), khoảng 5% đến 12% dân số toàn cầu trải qua các triệu chứng liên quan đến TMJ. Một nghiên cứu đăng trên Journal of Oral Rehabilitation cho thấy tỷ lệ mắc TMJ ở một số quốc gia châu Á dao động từ 21% đến 31%, trong đó phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi có nguy cơ mắc TMJ cao hơn do yếu tố nội tiết tố và căng thẳng. TMJ gây ra những cơn đau âm ỉ hoặc nhói ở vùng hàm, thái dương và mặt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động thường ngày như ăn uống, giao tiếp và cả giấc ngủ. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể dẫn đến căng thẳng tâm lý do đau kéo dài. Vậy TMJ thực chất là gì và tại sao tình trạng này lại trở nên phổ biến đến vậy? Cùng Optimal365 Chiropractic tìm hiểu ngay.
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là bệnh gì?
Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là một hội chứng loạn năng khớp thái dương hàm, ảnh hưởng đến khớp, các cơ và dây chằng xung quanh khớp nối giữa xương hàm và hộp sọ. Khớp thái dương hàm hoạt động như bản lề trượt giúp hàm dưới có thể di chuyển lên xuống, sang hai bên và cho phép bạn nhai, nói, ngáp, và mở miệng. Bình thường, khớp này hoạt động trơn tru nhờ đĩa sụn khớp làm nhiệm vụ đệm và phân tán lực. Tuy nhiên, khi đĩa sụn bị lệch vị trí, viêm hoặc thoái hóa, cùng với sự co thắt của các cơ nhai, sẽ dẫn đến các triệu chứng đặc trưng của TMJ như đau nhức, khó mở miệng, hạn chế vận động hàm và tiếng kêu “lách cách” khi nhai hoặc vận động.
Biểu hiện của rối loạn TMJ
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) thường biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến nhất của TMJ:
- Cảm giác đau hoặc nhói tại khu vực nối giữa hàm dưới và xương sọ, có thể lan ra vùng quanh tai, mặt và cổ.
- Cảm giác cứng hàm hoặc “khóa hàm” khi mở miệng rộng, nhai hoặc nói, làm hạn chế khả năng mở miệng.
- Căng cứng và đau ở các cơ xung quanh khớp thái dương hàm.
- m thanh lục cục, lách cách hoặc rắc khi di chuyển hàm, thường là dấu hiệu của sự lệch khớp hoặc sự thay đổi trong cấu trúc của khớp.
- Hai hàm không khớp với nhau như bình thường khi cắn, gây khó khăn khi nhai.
- Cơn đau có thể lan ra vùng đầu hoặc tai, gây đau đầu, đau ở vùng thái dương hoặc đau nửa đầu, hoặc cảm giác đau nhói trong tai.
- Một số người có thể trải qua các vấn đề về tai như ù tai hoặc giảm thính lực.
- Đau khi ăn thức ăn cứng, dai hoặc khi nhai lâu.
- Đau và không thoải mái trong khớp thái dương hàm có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh khó ngủ hoặc bị thức dậy giữa đêm.
Các nguyên nhân gây ra TMJ
Nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn TMJ đó là những chấn thương liên quan đến vùng hàm, khớp hay vùng đầu cổ. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như tổn thương vật lý, va đập mạnh, hoặc thậm chí do stress và thói quen xấu như nghiến răng. Trong đó, có nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng rối loạn TMJ đó là:
- Chấn thương trực tiếp đến hàm từ tai nạn hoặc chấn thương thể thao, có thể gây trật khớp hoặc tổn thương cấu trúc xung quanh khớp TMJ
- Căng thẳng thần kinh, stress và áp lực tâm lý có thể dẫn đến các thói quen vô thức như siết chặt hàm hoặc nghiến răng, thậm chí co cứng hàm không tự chủ gây ra các vấn đề về khớp TMJ.
- Thói quen nghiến răng hoặc siết chặt răng là nguyên nhân phổ biến nhất, việc nghiến răng khi ngủ hoặc co cứng, siết chặt hàm sẽ làm tăng áp lực không đều lên cơ hàm, gây rối loạn khớp thái dương.
- Một số người có khớp TMJ không cân xứng từ khi sinh ra. Khớp thái dương hàm bị lệch bẩm sinh gây rối loạn thái dương hàm.
- Tình trạng hàm răng không đều hoặc mất răng không được phục hồi trong thời gian dài sẽ gây ra lực nhai không đều, lệch khớp cắn, gây áp lực lên khớp TMJ và cơ hàm
- Nhai thức ăn một bên hoặc thức ăn quá cứng (nhai đá) tạo ra sự mất cân bằng trong cách cơ hàm hoạt động, làm tăng nguy cơ bị rối loạn TMJ.
Chẩn đoán hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm như:
- Chụp X quang: Chụp X-quang giúp bác sĩ quan sát cấu trúc xương của hàm, khớp thái dương hàm và răng, đồng thời quan sát cấu trúc của khớp thái dương hàm và xác định mức độ tổn thương. Phát hiện các bất thường như gai xương hoặc thay đổi hình dạng khớp. Phương pháp này có thể thực hiện từ nhiều góc độ khác nhau để cung cấp cái nhìn toàn diện về tình trạng của khớp và các cấu trúc xung quanh.
- MRI (Chụp cộng hưởng từ): MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về mô mềm quanh khớp thái dương hàm, giúp bác sĩ phát hiện lệch đĩa khớp, viêm, trầy xước, hoặc tổn thương dây chằng và cơ quanh khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan: CT scan cung cấp hình ảnh cắt lớp chi tiết về cấu trúc xương khớp thái dương hàm, giúp phát hiện nứt xương, lệch khớp, hoặc tổn thương xương phức tạp, hỗ trợ lập kế hoạch điều trị và theo dõi sự thay đổi của xương theo thời gian.
Phương pháp điều trị TMJ
Điều trị rối loạn TMJ thể nhẹ tại nhà
Khi hội chứng TMJ ở giai đoạn nhẹ, rối loạn khớp thái dương hàm chỉ gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu và mệt mỏi. Bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà để giảm đau và cải thiện tình trạng. Các phương pháp này thường được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc như ibuprofen, naproxen có tác dụng giảm đau, viêm và sưng.
- Thuốc giãn cơ: Giúp thư giãn các cơ hàm, giảm căng thẳng và đau nhức.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh ăn thức ăn cứng, dai và giới hạn việc mở rộng miệng giúp giảm căng thẳng lên khớp thái dương hàm. Chia nhỏ miếng ăn để dễ nhai và giảm lực tác động lên hàm. Tránh nhai kẹo cao su, những thức ăn này có thể làm tăng áp lực lên khớp.
- Thay đổi tư thế ngủ: Ngủ nghiêng giúp giảm áp lực lên khớp thái dương hàm. Đồng thời sử dụng gối mềm giúp giữ đầu và cổ ở tư thế thẳng hàng.
- Bỏ các thói quen xấu: Sử dụng máng bảo vệ răng để ngăn ngừa nghiến răng. Tránh há miệng quá rộng khi ngáp hoặc cười.
- Chườm lạnh và nóng: Sử dụng túi đá chườm lên vùng thái dương và hàm trong 10-15 phút để giảm sưng và tê liệt dây thần kinh. Sau khi chườm lạnh, bạn có thể chuyển sang chườm nóng để tăng cường lưu thông máu và giảm đau.
- Bài tập thư giãn cơ hàm: Các bài tập chuyên biệt theo tình trạng như mở miệng, há miệng nhẹ nhàng giúp tăng cường độ linh hoạt của khớp thái dương hàm. Ngoài ra, bạn có thể massage nhẹ nhàng vùng thái dương và hàm sẽ giúp thư giãn các cơ và giảm căng thẳng.
Điều trị rối loạn TMJ với trường hợp nặng
Khi hội chứng TMJ ở giai đoạn nặng, việc điều trị cần sự can thiệp chuyên sâu hơn và có thể bao gồm các phương pháp sau:
- Nẹp khớp cắn bảo vệ: Nẹp khớp cắn, hay còn gọi là máng nhai, là một dụng cụ nha khoa được thiết kế đặc biệt để đặt lên răng. Nẹp giúp giảm áp lực lên khớp thái dương hàm bằng cách điều chỉnh khớp cắn và ngăn ngừa sự mài mòn răng khi nghiến trong lúc ngủ, có tác dụng bảo vệ khớp và giảm đau. Nẹp khớp còn giúp điều chỉnh khớp cắn bằng cách đưa răng về đúng vị trí.
- Kích thích dây thần kinh bằng dòng điện qua da (TENS): dòng điện nhẹ để tác động lên các dây thần kinh quanh vùng hàm. Mục đích chính là giúp thư giãn các cơ, tăng cường lưu thông máu và giảm cảm giác đau. Đây là một phương pháp không xâm lấn, thường được sử dụng để làm giảm căng thẳng cơ ở vùng hàm và cổ, từ đó giảm bớt các triệu chứng đau liên quan đến rối loạn TMJ.
- Chỉnh nha khoa : Chỉnh nha khoa giúp điều chỉnh sự sai lệch trong khớp cắn, chẳng hạn như răng mọc lệch hoặc cắn không đều. Bằng cách thay đổi vị trí của răng và khớp cắn, các bác sĩ nha khoa có thể giảm áp lực lên khớp thái dương hàm, từ đó cải thiện chức năng vận động của hàm và giảm các triệu chứng của rối loạn TMJ.
- Tư vấn tâm lý: Tư vấn tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị rối loạn TMJ, vì stress và căng thẳng tâm lý là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Thông qua tư vấn, bệnh nhân có thể học cách quản lý stress và nhận ra những thói quen không tốt, như nghiến răng khi căng thẳng. Các liệu pháp như kỹ thuật thư giãn, quản lý stress và liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp giảm các triệu chứng TMJ liên quan đến yếu tố tâm lý.
Phẫu thuật khớp thái dương hàm
Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, phẫu thuật khớp thái dương hàm có thể được cân nhắc. Hiện nay, có ba kỹ thuật phẫu thuật chính, và lựa chọn sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân:
- Chọc dò khớp: Kỹ thuật được chỉ định khi khớp thái dương hàm bị kẹt hoặc khóa cứng, gây khó khăn trong việc cử động vùng mặt. Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ chọc kim vào khớp để rút bỏ các mảnh vụn hoặc mô tổn thương, đồng thời điều chỉnh đĩa sụn đang bị mắc kẹt.
- Nội soi khớp: Phương pháp này sử dụng dụng cụ nội soi được đưa vào qua một đường rạch nhỏ ở trước tai. Bác sĩ sẽ thực hiện việc loại bỏ các mô viêm hoặc điều chỉnh cấu trúc đĩa khớp thái dương hàm. Nội soi khớp là một kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và thời gian hồi phục so với các phương pháp phẫu thuật mở.
- Phẫu thuật tạo hình khớp: Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn khác, trong đó dịch khớp được loại bỏ và bơm vào khớp thái dương hàm để làm sạch và loại bỏ các mảnh viêm.
- Phẫu thuật mở khớp: Đây là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp phẫu thuật trên không khả thi, đặc biệt khi có nguy cơ cao về tổn thương dây thần kinh. Phẫu thuật mở khớp được cân nhắc thực hiện trong các trường hợp như cấu trúc xương khớp thái dương hàm bị bào mòn, nghi ngờ khối u trong hoặc xung quanh khớp, hoặc khi khớp thái dương hàm có sẹo hoặc mảnh xương rải rác.
Phác đồ điều trị rối loạn TMJ tại Optimal365 Chiropractic
Tại Optimal365 Chiropractic, chúng tôi cung cấp phác đồ điều trị rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) với cam kết “3 Không”: ” Không thuốc – Không tiêm – Không phẫu thuật “. Phương pháp của chúng tôi tập trung vào việc điều trị triệt để nguyên nhân gốc rễ của rối loạn TMJ, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Phác đồ điều trị của chúng tôi tích hợp các kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm đau, chống viêm và phục hồi chức năng của khớp thái dương hàm. Các phương pháp điều trị cụ thể mà chúng tôi áp dụng bao gồm:
- Trị liệu thần kinh cột sống (Nắn chỉnh Chiropractic): Phương pháp này tập trung vào việc khôi phục khớp hàm, giúp giảm áp lực lên các khớp, cơ, dây chằng, xương hàm và xương thái dương. Bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật nắn chỉnh để cải thiện chức năng và phạm vi chuyển động của khớp TMJ nhằm giảm căng thẳng và giảm đau cho người bệnh.
- Trị liệu cơ chuyên sâu: Chúng tôi sử dụng các kỹ thuật chuyên biệt giúp giảm co cứng cơ, từ đó giảm đau và căng cứng ở vùng bị ảnh hưởng. Phương pháp này cải thiện sức mạnh nhóm cơ xung quanh khớp thái dương hàm và xử lý triệt để các vấn đề đau mỏi, giải phóng căng cơ và cải thiện lưu thông máu ở vùng hàm và cổ.
- Trị liệu công nghệ cao: Chúng tôi áp dụng công nghệ điều trị tiên tiến để giảm nhanh chóng cơn đau và viêm liên quan đến rối loạn TMJ. Sử dụng dòng điện nhẹ để kích thích các dây thần kinh, thư giãn cơ và giảm đau ở vùng hàm. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng laser công suất thấp để giảm viêm và kích thích quá trình phục hồi mô.
- Bài tập phục hồi chức năng: Bác sĩ và đội ngũ Kỹ thuật viên tại phòng khám sẽ hướng dẫn các bài tập cơ hàm nhằm cải thiện sức mạnh, thư giãn cơ hàm và nâng cao độ linh hoạt của cơ hàm, là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị tại Optimal 365 Chiropractic.
Với sự hỗ trợ của đội ngũ tại Optimal365 Chiropractic, chúng tôi hướng dẫn chi tiết cho bệnh nhân về cách quản lý stress và điều chỉnh thói quen nhai hàng ngày để giảm áp lực không cần thiết lên khớp TMJ, giúp phòng ngừa tình trạng này tái phát trong tương lai.
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là một tình trạng phức tạp, với nhiều nguyên nhân và biểu hiện khác nhau, từ đau nhức đến khó khăn khi nhai, mở miệng và giao tiếp. Để phòng ngừa tình trạng rối loạn TMJ, việc duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát stress hiệu quả và thăm khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của TMJ, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Optimal365 Chiropractic luôn đồng hành cùng bạn trên con đường phục hồi sức khỏe toàn diện.
Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:
1. MSD Manuals. (n.d.). Tổng quan về rối loạn khớp thái dương hàm (TMD). Retrieved from https://www.msdmanuals.com/vi-vn/professional/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-nha-khoa/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-kh%E1%BB%9Bp-th%C3%A1i-d%C6%B0%C6%A1ng-h%C3%A0m/t%E1%BB%95ng-quan-v%E1%BB%81-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-kh%E1%BB%9Bp-th%C3%A1i-d%C6%B0%C6%A1ng-h%C3%A0m-tmd
2. DentalCare. (n.d.). What is TMJ disorder? Retrieved from https://www.dentalcare.com/en-us/patient-education/vietnam-articles/what-is-tmj-disorder
3. Okeson JP. Management of Temporomandibular Disorders and Occlusion. 7th ed. Elsevier; 2013.
4. Zhang, Y., He, D., Tian, Z., Wang, H., Liu, Y., & Hu, Y. (2016). Prevalence of temporomandibular disorders in Chinese oral-facial scar patients. Journal of Oral Rehabilitation, 43(4), 270–277. https://doi.org/10.1111/joor.12370