Loader logo

Cứng khớp buổi sáng: Dấu hiệu thoái hóa hay chỉ do ngủ sai tư thế?

thumbnail
By Optimal365 Chiropractic
08/05/2025
|

Nhiều người thể bắt đầu ngày mới với cảm giác khó co duỗi đầu gối, cổ tay hoặc ngón tay sau khi vừa thức dậy. Triệu chứng này thường biến mất sau vài phút, khi cơ thể bắt đầu vận động trở lại. Tuy nhiên, cứng khớp buổi sáng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho các vấn đề xương khớp.

Qua bài viết dưới đây, Optimal365 Chiropractic sẽ giúp bạn phân biệt cứng khớp buổi sáng do tư thế ngủ sai và do bệnh lý xương khớp nguy hiểm như thoái hóa hay viêm khớp.

Cứng khớp buổi sáng là gì?

Cứng khớp buổi sáng là một triệu chứng lâm sàng thường gặp, được mô tả là cảm giác khớp khó cử động hoặc giảm linh hoạt sau khi thức dậy, đặc biệt sau một khoảng thời gian bất động kéo dài như giấc ngủ đêm. Triệu chứng này thường xuất hiện ở các khớp chịu tải như khớp gối, vai, các khớp nhỏ ở bàn tay, hoặc vùng cột sống thắt lưng.

Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng thế nào đến việc đi bộ?

Nguyên nhân gây cứng khớp buổi sáng

Cứng khớp buổi sáng là một triệu chứng cơ xương khớp phổ biến, thường được ghi nhận ở nhiều đối tượng, từ người cao tuổi đến nhân viên văn phòng. Theo các nghiên cứu, tình trạng này thường đi kèm với đau khớp, hạn chế vận động, và đôi khi có thể là dấu hiệu sớm của bệnh lý xương khớp tiềm ẩn như thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp. Dưới đây là những nguyên nhân cứng khớp buổi sáng phổ biến, được lý giải từ cả góc nhìn Y học hiện đại lẫn Y học cổ truyền:

1. Ảnh hưởng từ thời tiết lạnh và môi trường ẩm thấp

Trong Y học cổ truyền, tà khí từ môi trường như gió lạnh, ẩm thấp, được cho là có thể xâm nhập vào cơ thể khi sức đề kháng suy yếu. Tà khí này khiến khí huyết khó lưu thông, gây ra cảm giác tê bì, đau và cứng khớp, đặc biệt vào sáng sớm. Người sống trong vùng khí hậu lạnh hoặc làm việc trong môi trường ẩm thấp dễ bị ảnh hưởng hơn.

2. Cơ thể suy yếu, máu và năng lượng lưu thông kém

Theo lý luận Đông y, can và thận đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cân cốt (gân xương). Khi hai cơ quan này suy yếu do tuổi tác, sinh nở, hoặc bệnh lâu ngày, khớp gối và các khớp khác dễ bị đau, co duỗi khó khăn, đặc biệt là cứng khớp vào buổi sáng. Đây cũng là lý do tại sao người trên 40 tuổi thường dễ gặp tình trạng này.

3. Chất cặn bã tích tụ trong khớp lâu ngày

Các chất cặn bã trong cơ thể (gọi là đàm trọc) hoặc máu kém lưu thông (huyết ứ) cũng có thể tích tụ quanh khớp, gây ra cảm giác nặng nề, khó cử động, nhất là sau khi ngủ dậy. Nếu không được xử lý sớm, các yếu tố này có thể dẫn đến cứng khớp mãn tính hoặc biến dạng khớp.

4. Ngủ sai tư thế và lối sống ít vận động

Một nguyên nhân khá phổ biến gây đau khớp buổi sáng là do tư thế ngủ không phù hợp, chẳng hạn như nằm nghiêng quá lâu, kê gối quá cao, hoặc đệm không hỗ trợ cột sống đúng cách. Ngoài ra, người có lối sống tĩnh tại, ít vận động trong ngày cũng dễ bị giảm lưu thông máu và dịch khớp, làm tăng nguy cơ cứng khớp sau ngủ dậy.

5. Bệnh lý xương khớp mạn tính

  • Thoái hóa khớp, đặc biệt ở khớp gối, là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của cứng khớp buổi sáng ở người trung niên và cao tuổi. Triệu chứng thường kéo dài dưới 30 phút, đi kèm với cảm giác đau âm ỉ và khớp lạo xạo khi vận động.
  • Viêm khớp dạng thấp, một bệnh tự miễn, lại gây cứng khớp kéo dài hàng giờ, kèm theo sưng nóng đỏ khớp và cảm giác mệt mỏi toàn thân. Đây là trường hợp cứng khớp buổi sáng cần điều trị chuyên khoa sớm để tránh biến chứng nặng.

Phân biệt cứng khớp sinh lý và cứng khớp bệnh lý

Hiện tượng cứng khớp, đặc biệt vào buổi sáng, là triệu chứng thường gặp trong lâm sàng cơ xương khớp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đáng lo ngại. Dưới đây là cách phân biệt giữa cứng khớp sinh lý (do tư thế hoặc bất động tạm thời) và cứng khớp bệnh lý (liên quan đến viêm, thoái hóa hoặc rối loạn cấu trúc khớp) dựa trên y văn và kinh nghiệm lâm sàng.

1. Cứng khớp trong các bệnh lý cơ xương khớp

Cứng khớp buổi sáng là dấu hiệu đặc trưng của nhiều bệnh lý xương khớp. Một số bệnh điển hình bao gồm:

  • Viêm khớp vảy nến thể thiếu niên tự phát: Cứng khớp buổi sáng là một trong những triệu chứng đầu tiên, có thể đi kèm đau khớp về đêm.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: Bệnh nhân thường có cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Có thể kèm tiếng lục khục khi xoay người nhưng không có dấu hiệu toàn thân như sốt hay sụt cân.
  • Gout mạn tính: Ở giai đoạn tổn thương kéo dài, người bệnh có thể xuất hiện cứng khớp, đặc biệt khi bệnh diễn tiến theo thể phong hàn thấp hoặc thể can thận hư theo YHCT.
  • Đông cứng khớp vai (viêm dính bao khớp): Đặc trưng bởi hạn chế cả vận động chủ động và thụ động. Cơn đau sâu tại khớp vai thường rõ rệt khi bắt đầu cử động vào buổi sáng.

Ngoài ra, các dấu hiệu như sưng nề mô mềm quanh khớp, dày bao hoạt dịch, gai xương hay hẹp khe khớp trên X-quang cũng cho thấy đây không còn là hiện tượng sinh lý, mà là cứng khớp do tổn thương thực thể.

Đặc biệt, nếu tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 30 phút, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh lý viêm khớp, chẳng hạn như viêm cột sống dính khớp, đang hoạt động mạnh. Thời gian cứng khớp buổi sáng không chỉ là triệu chứng thường gặp mà còn là một tiêu chí được sử dụng trong thang điểm BASDAI – công cụ lâm sàng chuyên biệt để đánh giá mức độ nặng của bệnh viêm cột sống dính khớp. BASDAI giúp bác sĩ xác định mức độ viêm, theo dõi tiến triển bệnh và quyết định có cần điều chỉnh phác đồ điều trị hay không.

2. Cứng khớp sinh lý – Hiện tượng tạm thời và lành tính

Hiện tại, chưa có tài liệu chuyên sâu nào định nghĩa rõ ràng về “cứng khớp sinh lý”. Tuy nhiên, trong thực hành, cứng khớp sinh lý thường được hiểu là:

  • Xảy ra sau khi ngủ dậy hoặc ngồi lâu một tư thế
  • Kéo dài ngắn, dưới 15–30 phút
  • Không kèm đau nhiều, không sưng hay nóng khớp
  • Cải thiện nhanh chóng sau vận động nhẹ nhàng

Tình trạng này thường gặp ở người trẻ, người làm việc văn phòng hoặc có thói quen ít vận động. Cứng khớp sinh lý không liên quan đến tổn thương khớp và không cần điều trị nếu không lặp lại thường xuyên.

Cứng khớp buổi sáng khi nào cần đi khám?

Cứng khớp buổi sáng là triệu chứng thường gặp và có thể chỉ là hiện tượng sinh lý thoáng qua. Tuy nhiên, nếu kèm theo các dấu hiệu lâm sàng hoặc triệu chứng kéo dài, người bệnh cần được thăm khám sớm để loại trừ hoặc điều trị các bệnh lý cơ xương khớp nghiêm trọng. Dưới đây là các trường hợp nên đi khám chuyên khoa:

1. Cứng khớp buổi sáng kéo dài hoặc tái phát thường xuyên

Cứng khớp buổi sáng là triệu chứng lâm sàng thường gặp trong nhiều bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt là nhóm bệnh lý viêm hoặc thoái hóa. Trong trường hợp hiện tượng này:

  • Kéo dài trên 15–30 phút sau khi thức dậy, đặc biệt khi không cải thiện sau vận động nhẹ;
  • Tái phát liên tục mỗi buổi sáng trong nhiều ngày hoặc có xu hướng tăng dần thời gian cứng khớp theo thời gian;
  • Đi kèm với cảm giác đau sâu hoặc lan tỏa tại một hay nhiều khớp, gây ảnh hưởng đến khả năng khởi động các hoạt động hàng ngày;

…thì đây có thể là dấu hiệu sớm của viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp hoặc các bệnh lý tự miễn khác.

2. Đau khớp kéo dài hoặc tăng dần theo thời gian

Triệu chứng đau khớp xuất hiện cùng với cứng khớp buổi sáng và có xu hướng dai dẳng hoặc tiến triển nặng dần theo thời gian là dấu hiệu cảnh báo cần được đánh giá y khoa. Người bệnh nên đi khám khi có các biểu hiện sau:

  • Đau không cải thiện sau nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau thông thường: Tình trạng này cho thấy đau không đơn thuần là cơ học hay quá tải mà có thể liên quan đến phản ứng viêm hoặc tổn thương mô sâu hơn.
  • Cơn đau có xu hướng tăng lên khi vận động, thay đổi thời tiết hoặc vào ban đêm: Những đặc điểm này thường gợi ý bệnh lý cơ xương khớp mạn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, hoặc đau do thay đổi áp suất khớp và lưu thông dịch khớp kém.
  • Đau khu trú tại điểm bám gân hoặc vùng quanh khớp, đặc biệt khi ấn vào: Đây là biểu hiện đặc trưng của viêm gân mạn tính hoặc hội chứng đau điểm bám gân, có thể dẫn đến mất chức năng nếu không được điều trị kịp thời.

3. Hạn chế hoặc mất chức năng vận động

Cứng khớp buổi sáng nếu kèm theo tình trạng suy giảm rõ rệt khả năng vận động khớp là dấu hiệu cảnh báo quan trọng. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa khi gặp phải một trong các biểu hiện sau:

  • Không thể gấp – duỗi trọn vẹn tại một hoặc nhiều khớp: Thường gặp ở khớp gối, vai hoặc khuỷu tay, biểu hiện bằng việc vận động bị giới hạn cả về biên độ chủ động lẫn thụ động. Tình trạng này có thể là hậu quả của dính khớp, viêm mạn tính hoặc thoái hóa tiến triển.
  • Cảm giác nặng nề, mất linh hoạt khi di chuyển: Đặc biệt khi xuất hiện vào buổi sáng và không cải thiện sau khi vận động nhẹ. Đây có thể là dấu hiệu khởi phát của bệnh lý cột sống hoặc các rối loạn trương lực cơ ảnh hưởng đến khả năng điều khiển vận động.
  • Khớp mất chức năng trong sinh hoạt cơ bản: Người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày như mặc quần áo, leo cầu thang, cầm nắm đồ vật hoặc giữ tư thế đứng lâu. Điều này cho thấy chức năng khớp bị tổn thương nặng, có nguy cơ mất vĩnh viễn nếu không can thiệp đúng lúc.

4. Xuất hiện các dấu hiệu viêm tại khớp

Cứng khớp buổi sáng nếu đi kèm với các dấu hiệu viêm rõ rệt tại khớp có thể là biểu hiện của các bệnh lý viêm khớp cần điều trị chuyên sâu. Người bệnh nên được khám chuyên khoa khi xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Sưng nề, nóng đỏ tại khớp: Đây là dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của viêm khớp cấp hoặc mạn. Khi hiện tượng này lặp lại nhiều lần hoặc không cải thiện sau nghỉ ngơi, cần được thăm khám để loại trừ các bệnh như viêm khớp dạng thấp, gout hoặc lupus ban đỏ hệ thống.
  • Sưng khớp kéo dài hoặc tái phát nhiều lần: Gợi ý quá trình viêm mạn tính, có thể gây tổn thương cấu trúc khớp nếu không được điều trị kịp thời.
  • Xuất hiện âm thanh bất thường khi vận động: Tiếng lục cục, lạo xạo khi cử động khớp thường phản ánh sự mài mòn sụn khớp hoặc thay đổi bề mặt khớp – dấu hiệu phổ biến trong thoái hóa khớp hoặc viêm dính khớp giai đoạn muộn.
  • Biến dạng khớp hoặc cột sống: Là biểu hiện nặng cho thấy tổn thương khớp đã tiến triển kéo dài, có thể dẫn đến giảm hoặc mất chức năng vận động nếu không được can thiệp đúng lúc.

5. Xuất hiện các dấu hiệu thần kinh đi kèm

  • Đau lan theo đường đi của dây thần kinh: Biểu hiện phổ biến là đau thần kinh tọa – đau bắt đầu từ vùng thắt lưng, lan xuống mông, mặt sau đùi và cẳng chân. Cơn đau có thể đi kèm cảm giác rát, tê buốt hoặc nhói theo kiểu điện giật.
  • Rối loạn cảm giác: Bao gồm cảm giác tê bì, kiến bò, nóng rát hoặc giảm cảm giác da ở một vùng cơ thể. Những biểu hiện này thường gợi ý chèn ép rễ thần kinh tại cột sống cổ hoặc thắt lưng.
  • Yếu cơ, teo cơ hoặc giảm phản xạ: Mất lực hoặc co rút cơ vùng tay/chân, đặc biệt nếu xảy ra không đối xứng, có thể là dấu hiệu tổn thương thần kinh vận động do chèn ép kéo dài. Giảm phản xạ gân xương (gối, gót…) cũng là dấu hiệu cần được đánh giá thần kinh học.
  • Rối loạn cơ vòng hoặc tiểu tiện: Bao gồm khó tiểu, bí tiểu, tiểu không tự chủ hoặc đại tiểu tiện mất kiểm soát. Đây là dấu hiệu cảnh báo hội chứng chùm đuôi ngựa hoặc tổn thương tủy cổ (tình huống cấp cứu thần kinh cần can thiệp phẫu thuật sớm).

6. Dấu hiệu toàn thân hoặc gợi ý bệnh hệ thống

Một số triệu chứng toàn thân có thể đi kèm với tình trạng cứng khớp buổi sáng và là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý hệ thống nghiêm trọng, đòi hỏi thăm khám và chẩn đoán chuyên khoa sớm:

  • Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân: Đây là biểu hiện không đặc hiệu nhưng có thể liên quan đến các quá trình viêm mạn tính, bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống hoặc nhiễm trùng tiềm ẩn.
  • Gầy sút cân nhanh hoặc dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: Việc giảm cân không chủ ý, mệt mỏi kéo dài hoặc các biểu hiện như rét run, vã mồ hôi đêm có thể gợi ý tình trạng viêm hệ thống, lao ngoài phổi, ung thư di căn xương hoặc các bệnh lý huyết học.

7. Trường hợp đặc biệt cần lưu ý

Ở một số nhóm đối tượng đặc biệt, các dấu hiệu cứng khớp hoặc rối loạn vận động không nên xem nhẹ vì có thể là biểu hiện sớm của các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng:

  • Trẻ em xuất hiện bất thường trong vận động: Các biểu hiện như đi khập khiễng, bò lết thay vì đi bộ, hoặc kêu đau khi thay đổi tư thế cần được đánh giá sớm để loại trừ các bệnh lý khớp háng tiềm ẩn như viêm khớp nhiễm khuẩn, trượt chỏm xương đùi hoặc u xương nguyên phát. Đặc biệt, đau khớp háng kéo dài trên 2 tuần ở trẻ là chỉ định bắt buộc để làm rõ nguyên nhân bằng chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.
  • Gãy xương không do chấn thương rõ ràng (gãy bệnh lý): Là tình trạng gãy xương xảy ra mà không có tiền sử va đập, té ngã rõ rệt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý tiềm ẩn như loãng xương nặng, u xương di căn, hoặc bệnh lý chuyển hóa xương. Trong những trường hợp này, chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị căn nguyên và phòng ngừa gãy xương tiếp theo.

Giải pháp giảm cứng khớp buổi sáng

Cứng khớp buổi sáng là một biểu hiện lâm sàng phổ biến trong các bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa, viêm khớp dạng thấp, gout hoặc viêm dính khớp vai. Việc kiểm soát triệu chứng này không nên chỉ dừng ở việc “giảm cảm giác căng cứng”, mà cần tiếp cận điều trị từ nguyên nhân nền, phục hồi chức năng vận động khớp, đồng thời thay đổi lối sống để phòng ngừa tái phát.

1. Phục hồi chức năng và vận động trị liệu

  • Là nền tảng điều trị quan trọng giúp phục hồi biên độ vận động khớp, phòng ngừa dính khớp và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Bao gồm các kỹ thuật như vận động thụ động, chủ động, chủ động có trợ giúp, vận động đề kháng và kéo giãn.
  • Cần thực hiện đều đặn mỗi ngày, đặc biệt vào buổi sáng, sau khi khớp còn cứng, với cường độ và biên độ tăng dần theo mức độ đáp ứng.
  • Những bài tập như bơi, đi bộ trong nước, hoặc các bài tập co duỗi khớp cơ bản được khuyến khích do an toàn và hiệu quả.

2. Điều trị y học hiện đại

  • Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs) trong đợt cấp để giảm viêm tại khớp.
  • Trong các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều chỉnh miễn dịch (DMARDs hoặc corticoid liều thấp).
  • Trường hợp gout mạn tính, việc kiểm soát acid uric huyết là nền tảng điều trị lâu dài nhằm phòng ngừa tổn thương khớp và triệu chứng cứng buổi sáng.

3. Điều trị kết hợp Y học cổ truyền (YHCT)

  • Các phương pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, điện châm, thủy châm, cấy chỉ… có thể được phối hợp trong phác đồ điều trị nhằm thư cân hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ.
  • Dựa vào thể bệnh (phong hàn thấp, can thận hư, huyết ứ), bác sĩ YHCT có thể kê đơn thuốc bổ can thận, khu phong tán hàn hoặc hành khí hoạt huyết.
  • Việc điều trị bằng YHCT có hiệu quả hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn ổn định, giúp duy trì hiệu quả điều trị nội khoa và giảm nguy cơ tái phát.

4. Điều trị ngoại khoa

  • Chỉ định trong trường hợp tổn thương cấu trúc khớp nặng, viêm dính khớp không đáp ứng với điều trị bảo tồn.
  • Phẫu thuật có thể bao gồm bóc tách bao khớp, thay khớp nhân tạo hoặc nội soi làm sạch khớp tùy vào vị trí tổn thương.

5. Điều chỉnh lối sống và tư thế sinh hoạt

  • Tránh lao động nặng hoặc động tác gây quá tải vùng khớp bị tổn thương.
  • Thiết lập tư thế ngủ và làm việc phù hợp (chọn gối và đệm đúng, tránh ngồi lâu một tư thế).
  • Uống đủ nước, duy trì cân nặng hợp lý và bổ sung dưỡng chất có lợi cho khớp như omega-3, vitamin D, glucosamine.

Kết luận

Cứng khớp buổi sáng tưởng chừ là triệu chứng nhỏ nhưng có thể là cảnh báo sớm cho các bệnh lý xương khớp nguy hiểm. Việc quan sát sâu triệu chứng, phân biệt nguyên nhân và áp dụng điều trị đúng cách là chìa khóa bảo vệ khớp khỏe lâu dài.

Nếu bạn đang đối mặt với tình trạng này, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc đến Optimal365 Chiropractic để được đánh giá toàn diện, chăm sóc không dùng thuốc và hồi phục vận động tự nhiên một cách bền vững.

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch