Loader logo

Thoái Hóa Đốt Sống Cổ: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Biến Chứng

thumbnail

Tham vấn y khoa

Lưu Anh Hùng

By Optimal365 Chiropractic
24/08/2024
|

Thoái hoá đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp phổ biến với nhóm người lớn tuổi. Căn bệnh này không chỉ khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, tê bì chân tay mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, giảm khả năng vận động và có thể dẫn đến bại liệt. Trong bài viết sau đây, Optimal365 Chiropractic sẽ giới thiệu chi tiết về thoái hóa đốt sống cổ, nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý mãn tính phát triển chậm gây nên bởi tình trạng cột sống vùng cổ bị suy yếu do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa. Quá trình này đặc trưng bởi sự viêm và lắng đọng canxi trên dây chằng quanh cột sống. Điều này dẫn đến các thay đổi cấu trúc và chức năng của cột sống cổ như:

  • Viêm và lắng đọng canxi : Viêm dây chằng và lắng đọng canxi có thể dẫn đến hình thành gai xương và hẹp các lỗ liên hợp (foramina)
  • Hẹp lỗ liên hợp : Làm giảm sự lưu thông của mạch máu và chèn ép các rễ thần kinh vùng cổ. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như đau, tê và yếu cơ.
  • Chèn ép dây thần kinh vùng cổ và cánh tay : Việc chèn ép các dây thần kinh do sự hẹp các lỗ liên hợp có thể dẫn đến triệu chứng như: đau nhức, tê mỏi vùng cổ vai gáy, cơn đau diễn ra âm ỉ, khó khăn trong việc cầm nắm, vận động cánh tay.
Bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Tình trạng suy yếu cột sống vùng cổ gây nên thoái hóa đốt sống cổ

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ ở nam và nữ là ngang bằng nhau, phổ biến nhất là ở nhóm người trung niên và cao tuổi. Bệnh có thể phát triển trên bất cứ đốt sống nào, nhất là đoạn C5 – C6 – C7.

Nguyên nhân khiến đốt sống cổ bị thoái hoá

Tuổi tác

Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeons), hơn 85% người trên 60 tuổi có biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ. Khi bước qua độ tuổi 40 – 50, quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra khiến các đốt sống bị ảnh hưởng và dần thoái hóa. Do đó, phần lớn các ca bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở nhóm bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa bởi những yếu tố:

  • Lối sống thiếu khoa học, tư thế sinh hoạt không đúng cách (dùng gối không phù hợp, tư thế nằm, ngồi không chính xác,sử dụng điện thoại và máy tính sai tư thế…), lười vận động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
  • Chế độ ăn không cân bằng, thiếu các nhóm chất tốt cho cơ xương khớp như canxi, magie, vitamin D, C, E.
  • Có tiền sử chấn thương vùng cổ do tai nạn, làm việc nặng,…
Nguyên nhân khiến đốt sống cổ bị thoái hoá
Lão hóa tự nhiên do tuổi tác là nguyên nhân chính tạo nên thoái hóa đốt sống cổ

Gai xương

Khi vùng cột sống cổ bị tổn thương, cơ thể sẽ tự động gia tăng canxi để chữa lành và có thể hình thành gai xương. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các gai xương sẽ phát triển dần, chèn ép lên các mô, cơ, tủy sống và rễ thần kinh gây đau nhức. Chính vì vậy mà gia tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ .

Đĩa đệm bị mất nước

Đĩa đệm đóng vai trò như tấm đệm đàn hồi giúp giảm ma sát giữa các đốt sống, hỗ trợ chống đỡ trọng lượng đầu và giảm xóc khi vận động. Tuy nhiên, khi qua độ tuổi 30, đĩa đệm sẽ bắt đầu bị mất nước và dần thoái hóa. Điều này làm gia tăng sự ma sát giữa các đốt sống cổ, gây ra tình trạng đau, cứng và thoái hóa vùng xương cổ.

Xơ hóa dây chằng

Dây chằng làm nhiệm vụ nối các xương cột sống lại với nhau và có thể bị xơ hóa theo thời gian. Từ đó, ảnh hưởng đến các cử động cổ, gây tình trạng căng cứng, giảm khả năng vận động ở vùng cổ.

Nguyên nhân khiến đốt sống cổ bị thoái hoá
Tình trạng xơ hóa dây chằng có thể khiến đốt sống cổ bị thoái hóa

Hoạt động sai tư thế

Các tư thế sinh hoạt không chính xác như cúi – ngửa đầu nhiều, ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, nâng vác vật nặng trên đầu,… sẽ tác động xấu đến cấu trúc cột sống cổ. Về lâu dài có thể dẫn đến biến đổi các mô xương, cơ, dây chằng và thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.

Chấn thương

Một nguyên nhân phổ biến có khả năng dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ là có tiền sử chấn thương vùng cổ. Chẳng hạn như từng bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chấn thương do thể thao, ngã trong nhà,… cũng có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, tổn thương đĩa đệm, cơ xương khớp và thoái hóa cột sống cổ.

Nguyên nhân khiến đốt sống cổ bị thoái hoá
Tiền sử chấn thương vùng cổ có thể dẫn đến thoái hóa cột sống cổ

Những triệu chứng đặc trưng của thoái hóa đốt sống cổ

Ở giai đoạn đầu của thoái hóa đốt sống cổ , bệnh nhân sẽ khó nhận biết vì hầu như không có dấu hiệu cụ thể nào. Người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi đã chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng hơn với 5 triệu chứng đặc trưng sau đây.

Những triệu chứng đặc trưng của thoái hóa đốt sống cổ
Triệu chứng đặc trưng cảnh báo thoái hóa đốt sống cổ

T ê bì hoặc cảm giác như kiến bò ở cánh tay, bàn tay.

Thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến tê tay, đau nhức từ vùng vai đến cánh tay do rễ thần kinh bị chèn ép. Cụ thể, khi các đĩa đệm giữa các đốt sống cổ bị thoái hóa, chúng có thể phình, lồi ra hoặc bị lệch khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến chèn ép lên các rễ thần kinh vùng cổ, các dây thần kinh điều khiển cảm giác và vận động ở cánh tay. Vì vậy khi bị chèn ép, có thể gây ra các triệu chứng tê bì, ngứa ran hoặc thậm chí là đau lan tỏa từ cổ xuống vai, cánh tay và bàn tay.

Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị teo cơ, yếu cơ, thậm chí mất cảm giác bàn tay (khó cầm nắm đồ vật, khó thực hiện các động tác cần sự linh hoạt của tay).

Đau mỏi vùng cổ vai gáy

Người bệnh cảm nhận được những cơn đau nhức quanh vùng cổ vai gáy, đôi khi kèm theo tình trạng vẹo cổ hoặc sái cổ. Cơn đau có thể lan tới đầu, đau nhức vùng chẩm và trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, một hoặc cả hai bên cánh tay.

Cảm giác căng cứng vùng cơ cổ

Khi trời trở lạnh kết hợp tư thế ngủ không chính xác có khả năng dẫn đến tình trạng tê cứng cổ vào sáng hôm sau. Người bệnh có thể khó khăn khi thực hiện xoay cổ, cúi gập hoặc ngửa cổ.

Ngoài ra, có trường hợp bị đau ê ẩm vùng gáy hoặc mảng sau đầu. Cơn đau có thể lan rộng qua các mảng đầu khác và tăng dần về mức độ khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Một số ca bệnh gặp tình trạng đau liên tục, không thể quay đầu sang hai bên mà phải xoay cả người.

Dấu hiệu Lhermitte

Dấu hiệu Lhermitte là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thoái hóa cột sống cổ đa xơ cứng. Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu đột ngột như có luồng điện chạy từ cổ xuống xương sống, lan đến tận ngón tay hoặc ngón chân. Tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân cúi cổ về phía trước.

Các triệu chứng khác

Đối với người bệnh thoái hóa cột sống cổ ở các đốt C1 – C2 hoặc C4 có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như nấc, ngáp, mất thăng bằng hoặc chóng mặt,…

Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ có chữa hoàn toàn được không?

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý cơ xương khớp mãn tính phát triển chậm và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn có các phương pháp giúp hạn chế cơn đau và hỗ trợ quá trình thoái hóa diễn ra chậm hơn. Khả năng phục hồi tùy thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh và sự nỗ lực của bệnh nhân.

Nếu phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ thì bệnh nhân có thể khôi phục nhanh chóng. Ngược lại, nếu xem nhẹ tình trạng bệnh, không đến thăm khám sớm hoặc tự ý áp dụng các biện pháp điều trị không chính xác thì bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn. Và nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng là rất cao.

Các biến chứng thường gặp do thoái hóa đốt sống cổ gây ra

Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người. Trên thực tế, nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh thoái hóa đốt sống vùng cổ có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn tiền đình : Không chỉ làm hẹp lỗ tiếp hợp, thoái hóa cột sống cổ còn gây ra các triệu chứng của rối loạn tiền đình. Gồm có đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, mất thăng bằng, dễ té ngã (đối với người lớn tuổi).
  • Thoát vị đĩa đệm cổ : Về lâu dài, thoái hóa cột sống cổ có thể chuyển thành thoát vị đĩa đệm cổ và trở nên khó điều trị hơn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu, bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí có nguy cơ rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng tiêu tiểu hoặc bại liệt.
  • Yếu và tê vùng cổ trở xuống : Gai xương phát triển cùng với tình trạng hẹp ống sống khiến tủy sống bị chèn ép nghiêm trọng. Điều này có thể khiến người bệnh bị tê yếu và liệt các vị trí dưới cổ, kèm theo cơn đau nhức dữ dội.
Các biến chứng thường gặp do thoái hóa đốt sống cổ gây ra
Rối loạn tiền đình là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh thoái hóa cột sống cổ

Cách chuẩn đoán bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Khám lâm sàng

Bác sĩ tiến hành kiểm tra khả năng vận động của cột sống cổ. Ngoài ra, người bệnh cũng được yêu cầu thực hiện các động tác để kiểm tra khả năng phản xạ và sức cơ của chi trên. Từ đó nhằm kịp thời phát hiện tình trạng thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh hoặc tủy sống.

Xét nghiệm

Để gia tăng sự chính xác khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh như sau:

  • Chụp X-quang : Thể hiện hình ảnh của xương, giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ như cầu xương hoặc gai xương. Đồng thời giúp loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp hoặc nghiêm trọng hơn với bệnh như gãy xương, khối u hoặc nhiễm trùng.
  • Chụp CT : Thể hiện hình ảnh cho biết tình trạng tổn thương xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) : Cung cấp hình ảnh nhận biết các khu vực dây thần kinh đang bị chèn ép.

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Nguyên tắc điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là tiến trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác nên không thể đảo ngược. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể phòng ngừa bằng cách điều trị giảm triệu chứng và tăng cường khả năng vận động của cột sống cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ – Phương pháp nào hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả?

Châm cứu

Nguyên lý của châm cứu dựa trên hoạt động của khí trong cơ thể, thường chạy theo chiều thuận để cân bằng âm dương. Theo một số nghiên cứu, châm cứu có khả năng kích thích cơ thể sản xuất endorphin và các chất dẫn truyền thần kinh khác, giúp giảm cảm giác đau. Tuy nhiên, về hiệu quả, châm cứu chỉ là một phương pháp giảm đau tạm thời

Mặt khác, trong một số trường hợp châm cứu thường gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như: Hoa mắt, buồn nôn, để lại những vết bầm tím trên da, tổn thương dây thần kinh. Vậy nên hiện nay, các chuyên gia về cơ xương khớp luôn khuyến khích người bệnh lựa chọn những phương pháp điều trị bảo tồn, ít rủi ro.

Thoái hóa đốt sống cổ - Phương pháp nào hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả?
Châm cứu có thể làm giảm các cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ

Chườm nóng và chườm lạnh

Chườm nóng và chườm lạnh có thể kích thích tuần hoàn máu và giảm cơn đau ở cổ. Với phương pháp này, người bệnh cần chườm nóng trước rồi mới chuyển sang chườm lạnh. Lưu ý không chườm đá lạnh trực tiếp lên vùng cổ mà phải quấn vào khăn mềm. Ngoài ra, không nên chườm liên tục ở vị trí đang sưng đau hoặc các khu vực lưu thông máu kém.

Sử dụng thuốc giảm đau

Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc nhất định để giảm đau nhức, khó chịu cho bệnh nhân như: thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, tiêm steroid,… Tuy nhiên cần lưu ý rằng không nên sử dụng thuốc quá liều hoặc tự ý dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau và tăng nguy cơ suy gan, suy thận, thủng dạ dày, nhồi máu cơ tim,… vô cùng nguy hiểm.

hoái hóa đốt sống cổ - Phương pháp nào hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả?
Sử dụng thuốc để giảm cơn đau vùng cổ theo chỉ định của bác sĩ

Nghỉ ngơi và thư giãn

Đối với tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh nên nghỉ ngơi, thư giãn để giải tỏa căng thẳng bằng cách đọc sách, nghe nhạc, dạo phố, đi du lịch,… Khi nằm ngủ, nên kê gối với độ cao và độ cứng/mềm vừa phải, thỉnh thoảng chuyển mình để giúp máu lưu thông tốt hơn.

Tập vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu như kéo dãn, xoa bóp hoặc điện xung có thể tăng cường sức mạnh cơ bắp ở cổ và vai, làm giảm thiểu đáng kể các cơn đau. Tuy nhiên, các bài tập này cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ hoặc được hướng dẫn trực tiếp, tránh trường hợp trị liệu không đúng kỹ thuật khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Điều trị bảo tồn với trị liệu thần kinh cột sống tại Optimal365 Chiropractic

Trị liệu thần kinh cột sống là phương pháp điều trị thoái hóa cột sống cổ an toàn, hiệu quả và được ưa chuộng tại Mỹ. Phương pháp này hoạt động dựa trên cơ chế tái cấu trúc cột sống bằng cách nắn chỉnh các đốt sống sai lệch về lại vị trí ban đầu, làm giảm áp lực chèn ép rễ thần kinh, giúp giảm đau tự nhiên mà không phẫu thuật hay dùng thuốc.

Thoái hóa đốt sống cổ - Phương pháp nào hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả?
Phương pháp trị liệu thần kinh cột sống tại Optimal365 Chiropractic

Optimal365 Chiropractic là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trị liệu thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp Trị liệu thần kinh cột sống với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Chiropractic hơn 20 năm kinh nghiệm. Chúng tôi giúp làm giảm cơn đau nhanh chóng, giảm thời gian hồi phục, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh trên nguyên tắc 3 Không: Không tiêm – Không dùng thuốc – Không phẫu thuật .

Các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị riêng biệt, phù hợp nhất với tình trạng của từng bệnh nhân. Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn chi tiết về chế độ dinh dưỡng và hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cột sống. Hệ thống máy móc tiên tiến được vận dụng để gia tăng chất lượng của quá trình trị liệu hiệu quả hơn.

Cách hỗ trợ phòng ngừa và làm chậm quá trình bệnh thoái hóa đốt sống cổ.

Để phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ và nguy cơ tái phát trong tương lai, bạn nên thực hiện theo những lưu ý sau:

  • Nên phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh tình trạng căng thẳng cho vùng cột sống cổ. Sau thời gian làm việc nên thực hiện xoa bóp và chăm sóc cho vùng cổ vai gáy.
  • Đối với người làm việc văn phòng, thường xuyên ngồi trước máy tính thì nên đứng lên đi lại, vươn vai sau tối đa 90 phút làm việc.
  • Trang thiết bị hỗ trợ công việc cần được bố trí hợp lý. Điều chỉnh chiều cao bàn và ghế sao cho hai cẳng tay song song với nền nhà, lưng và vai thẳng. màn hình đặt ngang và cách tầm mắt khoảng 50 – 66cm, tránh để quá cao hoặc quá thấp so với tầm mắt.
  • Nên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên hoặc các bài tập vận động xương khớp như yoga để điều trị thoái hóa cột sống cổ.
  • Ăn với chế độ đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi, magie, vitamin nhóm B, D, E để giúp cơ xương khớp khỏe mạnh hơn.

Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh mãn tính không chỉ gây gây đau đớn, khó chịu mà còn để lại nhiều bất tiện trong đời sống cho người bệnh. Chính vì vậy, ngay từ sớm, chúng ta nên thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh hơn để phòng ngừa bệnh. Khi nhận thấy các dấu hiệu của thoái hóa cột sống cổ, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế, phòng khám để được thăm khám và áp dụng phương pháp điều trị hiệu quả, hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:

1. Cervical Spondylosis. Healthline. Retrieved from https://www.healthline.com/health/cervical-spondylosis

2. Mayo Clinic. Cervical Spondylosis. Retrieved from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-spondylosis/symptoms-causes/syc-20370787

3. Zing News. Cảnh báo nguy cơ thoái hóa cột sống cổ ở người trẻ. Retrieved from https://zingnews.vn/canh-bao-nguy-co-thoai-hoa-cot-song-co-o-nguoi-tre-post743396.html

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch