Loader logo

Viêm bao hoạt dịch: Bệnh lý gây đau khớp bạn không nên bỏ qua

thumbnail
By Optimal365 Chiropractic
03/04/2025
|

Bạn đang bị đau vai, đau gối, hoặc đau khuỷu tay kéo dài không dứt? Cảm giác sưng, đau, cứng khớp khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày? Đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng rất phổ biến nhưng thường bị bỏ qua – viêm bao hoạt dịch. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và đặc biệt là cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Viêm bao hoạt dịch là gì?

Viêm bao hoạt dịch (bursitis) là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm của lớp màng hoạt dịch – lớp lót bên trong bao khớp, là lớp có chức năng tiết ra dịch nhầy nhằm bôi trơn và giảm ma sát trong quá trình vận động của khớp. Khi lớp màng này bị viêm, hiện tượng sưng, đau và giới hạn vận động khớp sẽ xuất hiện, có thể kèm theo tràn dịch khớp trong một số trường hợp.

Viêm bao hoạt dịch có thể xuất hiện cấp tính hoặc mạn tính, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là tại khớp gối, vai, khuỷu tay, hông và gót chân. Đây là những vị trí thường xuyên chịu áp lực cơ học hoặc vận động lặp đi lặp lại. Tình trạng này có thể diễn tiến độc lập tại một khớp, hoặc đóng vai trò là biểu hiện ban đầu của một bệnh lý viêm khớp hệ thống, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp vảy nến hoặc bệnh gút.

viêm bao hoạt dịch là gì?

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm tại lớp màng hoạt dịch của khớp, có thể xuất hiện độc lập hoặc là biểu hiện thứ phát của một số bệnh lý cơ xương khớp toàn thân. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây viêm không được xác định rõ ràng, đặc biệt ở thể viêm bao hoạt dịch mạn tính không đặc hiệu, thường gặp tại khớp gối.

Tình trạng viêm có thể liên quan đến các bệnh lý viêm hệ thống, bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Viêm khớp vảy nến
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh gút

Ở những bệnh nhân mắc các thể bệnh nêu trên, viêm bao hoạt dịch có thể là biểu hiện sớm hoặc đi kèm trong quá trình tiến triển của bệnh. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xuất hiện cùng với các biểu hiện viêm ở cấu trúc kế cận như viêm điểm bám gân, viêm bao gân, hoặc viêm dây chằng, đặc biệt tại các vị trí như gân gót, cân gan bàn chân, lồi cầu xương đùi và vùng chày trước.

Một số nguyên nhân khác gây viêm bao hoạt dịch bao gồm:

  • Chấn thương cơ học: như gãy xương, bong gân hoặc va đập mạnh vào vùng khớp, làm tổn thương cấu trúc màng hoạt dịch và khởi phát phản ứng viêm tại chỗ.
  • Nhiễm trùng sau nhiễm khuẩn toàn thân, đặc biệt là sau nhiễm trùng đường tiết niệu – sinh dục hoặc tiêu hóa, có thể dẫn đến viêm khớp phản ứng kèm theo viêm màng hoạt dịch.
  • Viêm khớp do tinh thể: lắng đọng tinh thể urat trong bệnh gút hoặc calci pyrophosphat trong giả gút có thể gây phản ứng viêm cấp tính tại bao hoạt dịch, chẩn đoán thường dựa vào phân tích dịch khớp.

Trong thực hành lâm sàng, trường hợp có biểu hiện tràn dịch khớp đơn độc, đặc biệt khi không rõ nguyên nhân, việc thực hiện chọc hút dịch khớp để phân tích thành phần dịch đóng vai trò quan trọng trong việc loại trừ nhiễm trùng, phát hiện tinh thể và xác định căn nguyên viêm.

Có thể kết luận, vêm bao hoạt dịch có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, tổn thương cơ học, hoặc sự lắng đọng tinh thể trong khớp. Trong nhiều trường hợp, viêm bao hoạt dịch không đơn thuần là biểu hiện tại chỗ mà có thể phản ánh một rối loạn hệ thống đang diễn tiến, do đó cần được đánh giá và xử trí toàn diện.

>> Có thể bạn quan tâm: Viêm gân: Hiểu đúng để phòng tránh và điều trị kịp thời

Triệu chứng thường gặp của viêm bao hoạt dịch

Các biểu hiện lâm sàng của viêm bao hoạt dịch (hay còn gọi là viêm màng hoạt dịch) có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí khớp bị ảnh hưởng, mức độ tiến triển của tình trạng viêm, cũng như nguyên nhân nền tảng. Tuy nhiên, một số triệu chứng đặc trưng thường được ghi nhận bao gồm:

  • Đau khớp: Đây là triệu chứng phổ biến và thường là lý do khiến người bệnh tìm đến khám. Cảm giác đau có thể khu trú tại các vị trí như khớp gối, khớp vai hoặc khớp háng, với tính chất đau âm ỉ, đôi khi tăng lên rõ rệt khi vận động hoặc chạm vào vùng khớp bị tổn thương. Một số trường hợp có thể xuất hiện đau về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Sưng khớp: Tình trạng viêm tại bao hoạt dịch thường dẫn đến sưng nề rõ rệt tại khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt là khớp gối (vị trí dễ quan sát và hay bị viêm). Trường hợp viêm mạn tính không đặc hiệu ở khớp gối có thể biểu hiện với sưng dai dẳng một hoặc cả hai bên khớp. Ở khớp vai, sưng có thể đi kèm với tràn dịch bao hoạt dịch dưới cơ delta hoặc khoang dưới mỏm cùng.
  • Cứng khớp và hạn chế vận động: Khớp viêm có thể trở nên khó cử động linh hoạt, đặc biệt sau thời gian nghỉ ngơi hoặc bất động. Ở một số trường hợp, người bệnh bị giới hạn biên độ vận động rõ rệt, chẳng hạn như giảm khả năng giơ tay trong viêm bao hoạt dịch vai, hoặc khó thực hiện động tác xoay (dạng háng trong viêm khớp háng ở trẻ em).
  • Nóng và đỏ da vùng khớp: Tại khớp viêm, vùng da bên ngoài có thể ấm hơn so với bình thường và có biểu hiện hơi đỏ, phản ánh hiện tượng giãn mạch và tăng tuần hoàn máu tại chỗ.
  • Tràn dịch khớp: Viêm bao hoạt dịch thường dẫn đến hiện tượng tăng tiết dịch hoạt dịch, gây ra tràn dịch trong khoang khớp. Tình trạng này được ghi nhận nhiều tại khớp gối và khớp háng, đôi khi gây sưng lớn, căng bóng da và làm tăng áp lực nội khớp.
  • Triệu chứng toàn thân (tùy nguyên nhân): Trong một số trường hợp đặc biệt, viêm bao hoạt dịch có thể đi kèm với các triệu chứng toàn thân. Ví dụ, viêm khớp phản ứng sau nhiễm trùng có thể xuất hiện các biểu hiện ở đường tiết niệu hoặc tiêu hóa. Trong viêm khớp háng nhiễm khuẩn, người bệnh có thể sốt cao và có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân rõ rệt.

Viêm bao hoạt dịch có nguy hiểm không?

Về mặt lâm sàng, viêm bao hoạt dịch được xem là một bệnh lý không trực tiếp đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tình trạng viêm kéo dài hoặc tái phát nhiều lần có thể gây ra những hệ quả đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động và chất lượng sống của người bệnh.

Một trong những hậu quả thường gặp là cơn đau khớp kéo dài, có thể tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi người bệnh tiếp tục duy trì các yếu tố cơ học gây quá tải cho khớp. Điều này không chỉ làm giảm khả năng lao động và vận động thể lực, mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm lý và sinh hoạt thường ngày.

Trong những trường hợp nặng hơn, phản ứng viêm kéo dài có thể dẫn đến xơ hóa mô hoạt dịch, gây giới hạn biên độ vận động, cứng khớp, và thậm chí mất chức năng tại khớp bị ảnh hưởng nếu không được điều trị phù hợp.

Ngoài ra, viêm bao hoạt dịch do nguyên nhân nhiễm khuẩn (thường là do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở hoặc lây lan từ ổ nhiễm khác trong cơ thể) có thể diễn tiến nhanh và gây biến chứng nguy hiểm như viêm khớp nhiễm khuẩn, áp xe quanh khớp, hoặc lan rộng thành nhiễm trùng huyết nếu không được can thiệp y tế kịp thời.

Một số trường hợp khác ghi nhận viêm bao hoạt dịch thể mạn tính có xu hướng tái phát nhiều lần, đặc biệt ở các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như lao động nặng, vận động viên, hoặc bệnh nhân có bệnh lý khớp mạn tính nền. Tình trạng này không chỉ làm phức tạp quá trình điều trị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi lâu dài.

Cách điều trị viêm bao hoạt dịch

Việc điều trị viêm bao hoạt dịch (hay viêm màng hoạt dịch) cần được cá thể hóa tùy theo nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương mô khớp, và đáp ứng của từng người bệnh. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm, kiểm soát triệu chứng đau, phục hồi tầm vận động của khớp, đồng thời ngăn ngừa dính khớp và biến chứng mạn tính. Phác đồ điều trị có thể bao gồm điều trị nội khoa, can thiệp thủ thuật, phục hồi chức năng và trong một số trường hợp là phẫu thuật.

Điều trị nội khoa (bảo tồn)

Trong giai đoạn cấp tính hoặc tổn thương ở mức độ nhẹ – trung bình, điều trị nội khoa là lựa chọn ưu tiên. Các biện pháp bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm – giảm đau: Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, diclofenac,… được sử dụng phổ biến để kiểm soát viêm và giảm đau. Cần theo dõi tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, gan thận, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn): Trong trường hợp viêm khớp phản ứng hoặc nghi ngờ viêm do nhiễm khuẩn, kháng sinh được chỉ định theo kháng sinh đồ.
  • Tiêm corticosteroid tại chỗ: Có thể được cân nhắc nếu tình trạng viêm kéo dài hoặc không đáp ứng với thuốc uống. Tiêm nội khớp cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa trong điều kiện vô trùng tuyệt đối.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP): Đây là phương pháp đang được nghiên cứu và ứng dụng ở một số bệnh viện lớn, đặc biệt trong trường hợp đứt bán phần gân, viêm quanh khớp vai hoặc tổn thương bán cấp chưa cần phẫu thuật.

Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng

Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn sau viêm cấp và là biện pháp nền tảng để ngăn ngừa dính khớpduy trì chức năng vận động khớp. Các hình thức tập luyện được áp dụng từ đơn giản đến nâng cao, bao gồm:

  • Vận động thụ động → chủ động có trợ giúp → chủ động hoàn toàn → vận động đề kháng và kéo giãn
  • Các bài tập chuyên biệt cho từng khớp (vai, gối, háng…)
  • Kết hợp ôn châm, xoa bóp, bấm huyệt trong giai đoạn phục hồi (nếu đã hết sưng nóng)

vật lý trị liệu ứng dụng công nghệ cao

Phẫu thuật (chỉ định đặc biệt)

Phẫu thuật là biện pháp sau cùng, thường được chỉ định trong các tình huống:

  • Viêm bao hoạt dịch tái phát mạn tính, không đáp ứng điều trị nội khoa
  • Nhiễm trùng bao hoạt dịch, đặc biệt khi có ổ mủ hoặc lan rộng sang mô mềm, sụn khớp, hoặc khớp nhân tạo
  • Bao hoạt dịch bị xơ hóa, tăng sinh mô viêm, hình thành u hoặc thoát vị mô hoạt dịch
  • Trường hợp đứt gân vùng vai (gân mũ cơ quay), đặc biệt ở bệnh nhân trẻ có hoạt động thể thao

Một ca phẫu thuật đạt hiệu quả cần đảm bảo không có hiện tượng tụ máu, nhiễm trùng, hoại tử mô, tiết dịch kéo dài, đồng thời duy trì chức năng vận động và vùng khớp. Ở trẻ em, phẫu thuật sớm trong trường hợp nhiễm khuẩn khớp háng là cần thiết để bảo tồn chỏm xương đùi và phòng tránh biến dạng.

Các biện pháp hỗ trợ và y học cổ truyền

  • Bất động tạm thời vùng khớp trong giai đoạn cấp bằng nẹp hoặc bó bột (trong viêm xương tủy, tràn dịch khớp lớn, gãy xương kèm theo…)
  • Dinh dưỡng đầy đủ (đặc biệt bổ sung protein, vitamin C, D, canxi) giúp tăng cường phục hồi mô và cải thiện khả năng liền thương
  • Kết hợp y học cổ truyền: Một số phương pháp như thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu theo huyệt học, đặc biệt trong giai đoạn mạn tính sau viêm cấp, có thể hỗ trợ giảm đau và phục hồi chức năng khớp nếu được chỉ định đúng

Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch tái phát

Viêm bao hoạt dịch, đặc biệt ở thể mạn tính hoặc tái phát, có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng vận động và chất lượng sống của người bệnh. Do đó, việc phòng ngừa tái phát đóng vai trò quan trọng trong quản lý bệnh, đặc biệt ở các đối tượng có nguy cơ cao như người lao động nặng, bệnh nhân có tiền sử tổn thương khớp, hoặc từng phẫu thuật vùng khớp.

Tránh hoạt động gây quá tải cơ học lên khớp

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong dự phòng tái phát là hạn chế thực hiện các động tác gây căng thẳng quá mức hoặc lặp đi lặp lại tại cùng một khớp. Ví dụ, trong trường hợp tổn thương vùng vai, cần tránh các động tác dạng tay quá mức hoặc đưa tay lên cao quá đầu; với khớp gối hoặc háng, cần tránh ngồi xổm kéo dài, mang vác nặng quá khả năng. Ngoài ra, cần tránh các chấn thương cơ học trực tiếp, vốn là yếu tố dễ khởi phát đợt viêm mới.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý

Người bệnh được khuyến nghị thiết lập thời gian nghỉ ngơi xen kẽ với vận động, đặc biệt trong môi trường làm việc kéo dài, đòi hỏi duy trì một tư thế cố định. Việc mang đai hỗ trợ (đai lưng, đệm khuỷu, đầu gối) trong các hoạt động dễ gây áp lực lên khớp như ngồi lâu, lái xe hoặc làm việc nặng cũng giúp làm giảm tải lên hệ thống khớp và mô liên kết.

Kiểm soát cân nặng và duy trì thể trạng phù hợp

Thừa cân – béo phì là yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận làm tăng áp lực lên các khớp chịu trọng lượng (đặc biệt là khớp gối và khớp háng), góp phần thúc đẩy tiến triển của các phản ứng viêm tại bao hoạt dịch. Vì vậy, kiểm soát cân nặng, thực hiện chế độ ăn lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất phù hợp là điều cần thiết để giảm nguy cơ tái phát.

Duy trì chức năng vận động khớp

Sau giai đoạn cấp tính hoặc sau phẫu thuật, người bệnh nên được hướng dẫn thực hiện các bài tập vận động khớp chủ động – thụ động có kiểm soát, theo nguyên tắc tăng dần về cường độ và thời gian. Mục tiêu là duy trì độ linh hoạt của khớp, chống dính khớp, đồng thời phục hồi chức năng cơ – gân – dây chằng quanh khớp. Việc tập luyện nên được thực hiện nhiều lần trong ngày, đều đặn, theo đúng chức năng sinh lý của từng khớp.

Theo dõi định kỳ và kiểm soát các yếu tố nền

Ở những bệnh nhân có tiền sử tổn thương khớp, tái khám định kỳ (sau 1-3 tháng tùy tình trạng) là cần thiết để theo dõi tiến triển của bệnh, đặc biệt trong trường hợp có tổn thương gân, bao gân hoặc sau can thiệp ngoại khoa. Trường hợp có liên quan đến viêm khớp phản ứng, việc điều trị dứt điểm các nhiễm khuẩn nguyên phát (như nhiễm trùng tiết niệu, tiêu hóa) là yếu tố nền quan trọng giúp ngăn ngừa tái viêm bao hoạt dịch.

Lối sống lành mạnh và dự phòng tổng thể

Bên cạnh các biện pháp y học hiện đại, các nguyên lý trong Y học cổ truyền cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc duy trì thể trạng khỏe mạnh, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tránh môi trường ẩm thấp kéo dài – vốn được xem là các yếu tố thúc đẩy phát sinh bệnh lý cơ xương khớp. Việc kết hợp giữa luyện tập thể lực phù hợp với điều chỉnh môi trường sống – làm việc có thể hỗ trợ tích cực trong dự phòng tái phát.

Dấu hiệu bị viêm bao hoạt dịch nên đi khám bác sĩ

Mặc dù phần lớn các trường hợp viêm bao hoạt dịch (viêm màng hoạt dịch) có thể được kiểm soát bằng các biện pháp điều trị bảo tồn tại nhà, nhưng vẫn tồn tại nhiều tình huống lâm sàng mà người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ tổn thương và điều chỉnh hướng điều trị kịp thời. Việc trì hoãn thăm khám có thể dẫn đến tiến triển bệnh lý mạn tính hoặc các biến chứng nặng hơn.

Các dấu hiệu lâm sàng sau đây được xem là chỉ điểm cần thiết cho việc thăm khám y tế sớm, bao gồm:

Đau khớp dữ dội hoặc không thể kiểm soát

Đây là triệu chứng cảnh báo quan trọng. Cơn đau đột ngột, dữ dội hoặc đau không thuyên giảm sau vài ngày điều trị bảo tồn, nhất là khi kèm theo mất ngủ, đau tăng lên khi vận động hoặc chạm vào, có thể gợi ý tổn thương bao hoạt dịch tiến triển, nhiễm khuẩn, hoặc viêm khớp tinh thể cần can thiệp y tế chuyên sâu.

Hạn chế vận động khớp rõ rệt

Viêm bao hoạt dịch có thể gây ra giảm biên độ vận động, cứng khớp, hoặc mất hoàn toàn động tác chủ động (trong khi vận động thụ động vẫn còn), đặc biệt là ở khớp vai hoặc háng. Đây là dấu hiệu lâm sàng cho thấy có thể đã xảy ra tình trạng dính bao hoạt dịch, thoái hóa hoặc đứt gân kèm theo, cần được chẩn đoán phân biệt bằng hình ảnh học như siêu âm hoặc MRI.

Sưng, nóng, đỏ khớp tiến triển

Biểu hiện viêm cấp tính tại chỗ như sưng lớn, căng da, nóng và đỏ vùng khớp có thể là biểu hiện của tràn dịch hoạt dịch, viêm mủ, hoặc viêm do tinh thể urat/calci pyrophosphat, cần chọc hút dịch khớp để phân tích và loại trừ nhiễm trùng.

Đau lan rộng hoặc kèm theo triệu chứng thần kinh

Nếu cơn đau từ khớp lan sang vùng lân cận như vai → cánh tay → bàn tay, hoặc kèm theo tê, yếu cơ, điều này có thể gợi ý ảnh hưởng đến các cấu trúc gân – cơ – dây chằng hoặc thần kinh ngoại biên, cần được đánh giá lâm sàng chi tiết và chỉ định cận lâm sàng phù hợp.

Triệu chứng toàn thân hoặc liên quan hệ thống

Các biểu hiện như sốt (dù nhẹ), ớn lạnh, mệt mỏi kéo dài, hoặc cảm giác không khỏe toàn thân, đặc biệt khi xảy ra đồng thời với triệu chứng tại khớp, có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn khớp, viêm khớp phản ứng, hoặc bệnh lý tự miễn, cần được theo dõi chuyên khoa.

Không cải thiện với điều trị thông thường

Khi các biện pháp như nghỉ ngơi, chườm lạnh, dùng thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) không giúp cải thiện triệu chứng sau 5-7 ngày, hoặc bệnh tái phát nhiều lần, người bệnh cần được khám để cân nhắc can thiệp nâng cao như tiêm corticoid, PRP, hoặc thậm chí đánh giá chỉ định phẫu thuật nếu tổn thương đã mạn tính.

Có tiền sử chấn thương hoặc can thiệp ngoại khoa vùng khớp

Nếu các biểu hiện viêm xuất hiện sau một chấn thương cơ học hoặc sau phẫu thuật vùng khớp/gân, người bệnh cần được tái khám định kỳ theo chỉ định bác sĩ để đánh giá nguy cơ viêm mạn tính, tổn thương thứ phát hoặc biến chứng sau can thiệp

Lời kết

Viêm bao hoạt dịch là một bệnh lý cơ xương khớp thường gặp, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng và phục hồi chức năng vận động khớp.

Đừng chủ quan với những cơn đau âm ỉ kéo dài, hãy chủ động lắng nghe cơ thể và chăm sóc hệ vận động đúng cách ngay từ hôm nay. Nếu bạn cần tư vấn chuyên sâu hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng khớp theo hướng an toàn – không dùng thuốc – cá nhân hóa, đội ngũ chuyên gia tại Optimal365 Chiropractic sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình tái tạo sức khỏe cơ xương khớp toàn diện.

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch