Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp, dẫn đến chèn ép tủy sống và rễ thần kinh. Bệnh thường tiến triển từ từ, gây ra các triệu chứng phổ biến như đau nhức, tê bì chân tay, hạn chế hoạt động. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bại liệt, mất kiểm soát tiêu tiểu. Chính vì vậy, việc hiểu rõ triệu chứng của bệnh là rất quan trọng để có thể áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
1. Hẹp ống sống là gì?
Về bản chất, ống sống là không gian bên trong của các lỗ sống trên các đốt sống, có chứa tủy sống và dây thần kinh. Từ tủy sống, các rễ dây thần kinh sẽ đi qua khe sống để chi phối các cơ quan trong cơ thể.
Hẹp ống sống là tình trạng thu hẹp chu vi làm giảm không gian bên trong ống sống, gây áp lực cho các cấu trúc thần kinh đi qua cột sống. Quá trình này có thể xảy ra bên trong ống tủy hoặc trong lỗ liên hợp đốt sống (nơi rễ thần kinh ra khỏi ống sống). Với mỗi vị trí và mức độ hẹp sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.
Hẹp ống sống có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phổ biến nhất ở nhóm đối tượng trên 50 tuổi. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports này phân tích tỷ lệ thoái hóa cột sống theo loại, độ tuổi và giới tính. Kết quả cho thấy tỷ lệ hẹp ống sống tăng theo tuổi, đặc biệt ở nhóm trên 50 tuổi. Cụ thể, tỷ lệ mắc hẹp ống sống ở nhóm này là 4,5%, và tăng lên 9,1% khi sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hẹp ống sống thường xảy ra ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
2. Nguyên nhân gây hẹp ống sống
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp ống sống và được chia thành hai nhóm chính bao gồm: nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân do bệnh lý. Trong đó, hẹp ống sống do bệnh lý phổ biến hơn, thường xảy ra khi cột sống bị hao mòn tự nhiên theo tuổi tác. Chỉ có khoảng 9% trường hợp hẹp ống sống là do nguyên nhân bẩm sinh.
2.1 Nguyên nhân do bẩm sinh
Hẹp ống sống bẩm sinh ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em. Nó có thể xảy ra do các vấn đề bất thường trong quá trình hình thành cột sống của thai nhi. Hoặc yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Một số nguyên nhân bẩm sinh phổ biến dẫn đến tình trạng hẹp không gian ống sống là:
- Loạn sản sụn: Là một rối loạn xương di truyền dẫn đến tình trạng lùn do đột biến gen. Biểu hiện đặc trưng là chân tay của trẻ ngắn hơn so với chiều dài cơ thể.
- Chứng loạn sản cột sống: Là tình trạng cột sống và tủy sống không được hình thành đúng cách trong giai đoạn thai kỳ. Sau đó, chúng sẽ tiếp xúc với môi trường xung quanh bên trong hoặc ngoài cơ thể của trẻ.
- Gù lưng bẩm sinh: Xảy ra khi cột sống của trẻ cong ra ngoài nhiều hơn so với mức bình thường. Điều này khiến phần lưng ở vùng ngực trên trông tròn hơn và cong về phía trước, tạo cảm giác như trẻ đang khom lưng. Nguyên nhân có thể do cột sống phát triển không đúng cách hoặc không hoàn toàn ở giai đoạn thai nhi.
- Cuống sống ngắn bẩm sinh: Khi chào đời, em bé có phần cuống đốt sống ngắn hơn nên đã làm giảm kích thước của ống sống.
- Bệnh xương hóa đá: Là một bệnh di truyền hiếm gặp khiến xương của trẻ trở nên cứng và đặc hơn. Điều này khiến xương giòn dễ gãy, hẹp các ống xương và chèn ép dây thần kinh trong ống xương.
- Hội chứng Morquio: Là bệnh di truyền hiếm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và các mô liên kết trong cơ thể. Thông thường, trẻ vẫn phát triển bình thường khi mới chào đời nhưng sẽ tăng trưởng chậm lại và ngừng lớn. Tiếp theo đó, xương phát triển khác thường làm vóc dáng của trẻ thấp bé, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác.
- Nhiều chồi xương bẩm sinh: Là tình trạng bệnh lý di truyền hiếm gặp gây ra nhiều chồi xương (lồi ra) phân bố ở hệ thống xương ngoại vi. Chúng có thể phát triển trên đốt sống và làm hẹp ống sống của trẻ.
2.2 Nguyên nhân do bệnh lý
Hẹp ống sống do bệnh lý là tình trạng khởi phát bệnh ở giai đoạn sau này (sau khi chào đời). Một số nguyên nhân gây nên hẹp ống sống phổ biến như:
- Tăng xương quá mức
Theo thời gian, phần sụn khớp sẽ dần bị hao mòn, khiến các xương cọ xát vào nhau nhiều hơn và gây nên tình trạng viêm xương khớp, bao gồm cả vùng cột sống. Lúc này, cơ thể sẽ tăng tích tụ canxi tại vùng sụn khớp tổn thương, dẫn tới tăng xương quá mức và hình thành gai xương. Về lâu dài, gai xương trên đốt sống sẽ phát triển, lan vào ống sống, làm hẹp ống sống và chèn ép các dây thần kinh trong cột sống.
- Thoát vị đĩa đệm
Khi con người già đi, các đĩa đệm có thể bị khô và dẹt lại. Bao xơ bên ngoài xuất hiện vết nứt, khiến nhân nhầy bên trong tràn ra ngoài, hình thành khối thoát vị. Từ đó chèn ép lên các dây thần kinh gần đĩa đệm và có thể gây hẹp ống sống.
- Dày dây chằng
Dây chằng theo thời gian có thể trở nên cứng và dày lên, đẩy vào ống sống, gây nên tình trạng hẹp ống sống.
- Gãy xương hoặc chấn thương cột sống
Tình trạng gãy xương, trật khớp đốt sống hoặc khớp gần cột sống gây nên chứng viêm có thể dẫn đến hẹp ống sống.
- Khối u cột sống
Các khối u bên trong tủy sống hoặc khối u giữa tủy sống và đốt sống sẽ gây áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, làm hẹp không gian trong ống sống.
3. Triệu chứng của hẹp ống sống
3.1 Triệu chứng chung
Tùy vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà người bệnh có thể cảm thấy những triệu chứng sau tại vùng cổ, lưng, cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân:
- Cơn đau âm ỉ hoặc đau nhức, cảm giác như bị điện giật hoặc nóng rát.
- Cảm giác ngứa ran.
- Bị yếu chi.
- Tê liệt.
Hẹp ống sống là bệnh lý tiến triển chậm. Do đó, người bệnh có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào trong một khoảng thời gian đầu, mặc dù bệnh đã hiển thị trên hình ảnh X-quang hoặc các xét nghiệm khác. Các triệu chứng nêu trên có thể khác biệt ở mỗi bệnh nhân.
3.2 Triệu chứng theo từng vị trí
Có 2 dạng hẹp ống sống phổ biến là hẹp ống sống thắt lưng và hẹp ống sống cổ, cụ thể:
Hẹp ống sống thắt lưng
Những triệu chứng của hẹp ống sống thắt lưng bao gồm:
- Cơn đau ở phần lưng dưới.
- Cơn đau kéo dài từ mông xuống đến chân, có thể kéo dài đến tận bàn chân.
- Chân có cảm giác nặng nề, có thể bị chuột rút ở một hoặc cả hai chân.
- Cảm giác tê, ngứa ran như bị kim châm ở mông, chân hoặc bàn chân.
- Mức độ đau nghiêm trọng hơn khi đi đứng lâu hoặc đi xuống dốc.
- Cơn đau thuyên giảm nếu người bệnh cúi người về phía trước, ngồi hoặc đi lên dốc.
Hẹp ống sống cổ
Các triệu chứng thường gặp của hẹp ống sống cổ là:
- Đau nhức ở cổ.
- Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, chân, bàn tay hoặc bàn chân.
- Bị yếu hoặc vụng về ở cánh tay, chân, bàn tay hoặc bàn chân.
- Gặp vấn đề về cân bằng.
- Chức năng tay bị suy giảm, chẳng hạn như khó cầm bút viết hoặc cài cúc áo.
4. Phương pháp chẩn đoán hẹp ống sống
Để chẩn đoán hẹp ống sống, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bệnh nhân, hỏi về các triệu chứng đang gặp và tiến hành khám sức khỏe. Bác sĩ có thể chạm và ấn vào các vùng khác nhau trên cột sống để xem nó có gây đau hay không. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu cúi người theo các hướng khác nhau để kiểm tra hình dạng cột sống, tìm kiếm tư thế gây đau hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp xét nghiệm hình ảnh để xác định vị trí, loại và mức độ chính xác của tình trạng bệnh. Các xét nghiệm này có thể gồm:
- Chụp X-quang: Sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để cho ra hình ảnh giúp bác sĩ phát hiện những thay đổi trong cấu trúc xương. Chẳng hạn như tình trạng mất chiều cao đĩa đệm hoặc các gai xương.
- Chụp MRI: Sử dụng sóng vô tuyến để tạo ra những hình ảnh cắt ngang cột sống của bệnh nhân. Từ đó thể hiện chi tiết về dây thần kinh, đĩa đệm và tủy sống, đồng thời còn giúp phát hiện các khối u.
- Chụp CT hoặc chụp tủy CT: Chụp cắt lớp (CT) là sự kết hợp của tia X sẽ thể hiện hình ảnh cắt ngang của cột sống. Còn chụp tủy CT sẽ sử dụng thuốc nhuộm tương phản giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các chi tiết về tủy sống và dây thần kinh.
5. Hẹp ống sống có nguy hiểm không?
Trong giai đoạn mới khởi phát, biểu hiện hẹp ống sống thường chỉ ở mức độ nhẹ, không quá rõ rệt nên chưa ảnh hưởng nhiều đến cử động các chi và sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, người bệnh thường dễ bỏ qua căn bệnh này.
Tuy nhiên, theo thời gian bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, dần chuyển sang mãn tính nếu không được điều trị kịp thời. Lúc này, các cơn đau đã trở nên dữ dội và việc điều trị cũng phức tạp hơn bình thường. Nghiêm trọng hơn bệnh có thể tiến triển xấu, gây ra các biểu hiện vĩnh viễn như tê liệt chi, rối loạn cơ vòng gây mất kiểm soát tiểu tiện, bại liệt,…
Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu của hẹp ống sống, người bệnh nên đến bác sĩ sớm để được thăm khám và hướng dẫn phương pháp điều trị kịp thời, tránh xa nguy cơ biến chứng.
6. Phương pháp điều trị hẹp ống sống
Có nhiều phương pháp để điều trị hẹp ống sống. Việc xác định phương pháp nào hiệu quả nhất cho người bệnh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
6.1 Biện pháp tự hỗ trợ tại nhà
Thông thường, với các triệu chứng hẹp ống sống nhẹ, người bệnh có thể thử áp dụng các biện pháp tự hỗ trợ tại nhà, bao gồm:
- Chườm nóng: Là phương pháp hiệu quả đối các chứng đau xương khớp. Tác động của nhiệt sẽ làm tăng lưu lượng máu, thư giãn cơ và giảm cơn đau nhức tại vị trí hẹp ống sống. Tuy nhiên cần lưu ý về mức nhiệt độ để tránh bị bỏng.
- Chườm lạnh: Bạn có thể sử dụng túi chườm lạnh, khăn bọc đá lạnh… đặt lên vùng cột sống đau nhức để làm giảm sưng, đau, viêm. Chườm lạnh liên tục trong khoảng 20 phút, nghỉ 20 phút rồi thực hiện lại.
- Tập thể dục: Các bài tập thể dục ở mức độ vừa phải sẽ tăng cường sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ cột sống, cải thiện sự linh hoạt và khả năng cân bằng cho người bệnh. Tuy nhiên, trước khi thực hiện hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn bài tập phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe.
6.2 Phương pháp điều trị không phẫu thuật
Nếu các phương pháp tự chăm sóc sức khỏe tại nhà không hiệu quả như mong muốn và triệu chứng hẹp ống sống trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị những phương pháp điều trị khác giúp kiểm soát tình trạng bệnh, bao gồm:
- Sử dụng thuốc
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được chỉ định trong trường hợp này để giúp giảm viên và cơn đau do hẹp ống sống. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê các thuốc theo toa có đặc tính giảm đau như thuốc chống co giật (gabapentin), thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin). Nếu người bệnh có triệu chứng chuột rút hoặc co thắt cơ thì thuốc giãn cơ cũng có hiệu quả.
Lưu ý: Người bệnh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc, tránh tự ý thay đổi liều dùng hoặc lạm dụng thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Tiêm Steroid
Bác sĩ thực hiện tiêm corticosteroid vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống bị chèn ép do hẹp ống sống. Từ đó giúp giảm viêm, sưng đau và kích ứng. Tuy nhiên, các mũi tiêm chỉ được thực hiện với số lượng hạn chế, khoảng 3 – 4 lần/năm, vì corticosteroid có thể làm yếu xương và các mô xung quanh theo thời gian.
- Trị liệu thần kinh Chiropractic
Trị liệu thần kinh Chiropractic là phương pháp điều trị không xâm lấn, tập trung vào việc điều chỉnh các khớp xương và cột sống, nhằm giảm đau tự nhiên và khôi phục khả năng vận động bình thường một cách hiệu quả. Đối với người bệnh hẹp ống sống, Chiropractic sẽ nắn chỉnh lại vị trí đốt sống bị sai lệch, làm giảm áp lực lên các dây thần kinh bị chèn ép, từ đó làm dịu cơn đau và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Tại Optimal365 Chiropractic, chúng tôi ứng dụng công nghệ hiện đại trong Chiropractic, kết hợp cùng phác đồ điều trị cá nhân hóa để mang lại hiệu quả trị liệu tối ưu cho từng người bệnh. Với đội ngũ bác sĩ đến từ Mỹ, có hơn 20 năm kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, chúng tôi cam kết sẽ cung cấp một quá trình điều trị an toàn, hiệu quả nhất.
Đặc biệt, với phương châm 3 Không: “Không tiêm – Không thuốc – Không phẫu thuật” sẽ giúp bệnh nhân luôn yên tâm và thoải mái trong suốt liệu trình chữa trị. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ của chúng tôi hỗ trợ tư vấn chi tiết về chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để người bệnh nhanh chóng hồi phục và duy trì sức khỏe lâu dài.
- Vật lý trị liệu
Bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ xây dựng một chương trình tập luyện phù hợp giúp bệnh nhân tăng cường sức mạnh cơ bắp vùng lưng, đồng thời cải thiện tính linh hoạt, sự cân bằng và ổn định của cột sống. Việc kiên trì thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh nhanh chóng giảm các cơn đau do hẹp ống sống, cải thiện khả năng vận động hiệu quả. Ngoài ra còn cải thiện tư thế và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
6.3 Phẫu thuật
Hẹp ống sống là một bệnh lý phức tạp, trong khi cột sống lại là khu vực nhỏ và nhạy cảm. Do đó, bác sĩ cân nhắc đến phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nêu trên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Mục đích của phẫu thuật là tạo thêm không gian cho tủy sống và dây thần kinh thông qua việc cắt bỏ một phần xương trên đốt sống, dây chằng hoặc gai xương, tùy vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với phương pháp này vì tiềm ẩn nhiều rủi ro sau phẫu thuật hẹp ống sống như nhiễm trùng, xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch chân, rách màng bao bọc tủy sống,… ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
7. Phòng ngừa hẹp ống sống
Phần lớn bệnh hẹp ống sống có nguyên nhân do tình trạng lão hóa theo tuổi tác nên rất khó ngăn ngừa bệnh một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để giảm nguy cơ hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh một cách hiệu quả:
- Bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp có chứa canxi, vitamin D,.. có trong như sữa, thịt, cá, các loại hạt, đậu…
- Giữ tư thế đúng trong khi làm việc, sinh hoạt như ngồi thẳng lưng, giữ hai chân thẳng khi đứng để cân bằng trọng lượng cơ thể.
- Tránh hút thuốc vì có thể làm tổn thương động mạch, khiến vết thương lâu lành và gây đau lưng.
- Thường xuyên tập luyện thể dục với các bài tập phù hợp giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp vùng lưng, giữ cho cột sống khỏe mạnh.
Hẹp ống sống là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh nếu chữa trị kịp thời. Do đó, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của hẹp ống sống, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất.
Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:
1. Professional, C. C. M. (n.d.). Spinal stenosis. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17499-spinal-stenosis
2. Spinal stenosis – Symptoms and causes – Mayo Clinic. (2023, March 28). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/spinal-stenosis/symptoms-causes/syc-20352961
3. Bjerke, B., MD. (n.d.). What is spinal stenosis? Spine-health. https://www.spine-health.com/conditions/spinal-stenosis/what-spinal-stenosis
4. Mfa, J. H. M. M. (2023, September 22). Spinal stenosis. Healthline. https://www.healthline.com/health/spinal-stenosis
5. Medscape. (n.d.). Liver Abscess Overview. Retrieved June 17, 2024, from https://emedicine.medscape.com/article/1913265-overview?form=fpf
6. Cheng, X., Zhang, G., Zhao, Y., Li, Y., & Zhang, L. (2021). Effects of land cover change on ecosystem carbon storage in tropical forests of Hainan Island, China. Scientific Reports, 11, 5476. https://doi.org/10.1038/s41598-021-84724-6