Loader logo

Đau đầu ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

thumbnail
By Optimal365 Chiropractic
31/12/2024
|

Đau đầu ở trẻ em là vấn đề sức khỏe phổ biến nhưng thường bị bỏ qua. Tuy chỉ là một triệu chứng, nhưng đau đầu có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Vậy làm thế nào để nhận diện các dấu hiệu của đau đầu ở trẻ em? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và cách điều trị như thế nào để giúp trẻ mau chóng hồi phục? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

1. Các dạng đau đầu ở trẻ em cần lưu ý

Có hai dạng đau đầu ở trẻ em bao gồm: đau đầu cấp tính và đau đầu mãn tính. Mỗi dạng đau đầu có những biểu hiện cụ thể khác nhau, đòi hỏi cách tiếp cận điều trị thích hợp, cụ thể:

1.1 Đau đầu cấp tính

Đau đầu cấp tính là cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn từ vài giờ đến vài ngày. Nguyên nhân có thể do chấn thương, căng thẳng, nhiễm trùng hoặc các tác nhân khác (mất ngủ, bỏ bữa, thời tiết thay đổi…). Triệu chứng thường gặp là cơn đau đầu dữ dội, có thể kèm theo sốt, buồn nôn và nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động mạnh.

1.2 Đau đầu mãn tính

Đau đầu mãn tính là tình trạng đau đầu tái phát thường xuyên, kéo dài hơn 15 ngày mỗi tháng trong ít nhất 3 tháng. Cơn đau đầu này thường xuất hiện do đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng hoặc bị rối loạn giấc ngủ, mắc các vấn đề về mắt, viêm xoang mãn tính… Dấu hiệu nhận biết là cơn đau đầu âm ỉ, nhức nhối, có thể tập trung tại một vùng nhất định hoặc lan tỏa khắp đầu.

Cơn đau đầu xuất hiện khiến trẻ đau đớn, khó chịu ở vùng đầu, mặt
Cơn đau đầu xuất hiện khiến trẻ đau đớn, khó chịu ở vùng đầu, mặt

2. Nguyên nhân gây ra đau đầu ở trẻ em

Cơn đau đầu ở trẻ em có nguyên nhân rất đa dạng. Ngoài các bệnh lý nhiễm trùng, chấn thương, vấn đề não bộ, một số yếu tố khác như cảm xúc căng thẳng, vấn đề về mắt, thậm chí chế độ ăn uống cũng có thể là thủ phạm gây ra những cơn đau đầu khó chịu này.

2.1 Đau đầu ở trẻ em do nhiễm trùng

Một số bệnh thường gặp ở trẻ em như cảm cúm, cảm lạnh (nhiễm siêu vi), nhiễm trùng (đặc biệt là tai và xoang) là một trong những yếu tố khiến trẻ bị đau đầu. Ngoài ra, cơn đau đầu cũng xuất hiện nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm hơn như viêm não, viêm màng não… Bên cạnh đau đầu, trẻ cũng có thể kèm theo một số triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, nôn mửa, cứng gáy ( cổ cứng), rối loạn tri giác…

2.2 Bị chấn thương vùng đầu

Trẻ em thường nghịch ngợm, hiếu động nên không thể tránh khỏi chuyện chạy nhảy, té ngã khiến đầu xuất hiện các vết thương, sưng tấy, bầm tím hay đau đầu. Chính vì vậy, nếu trẻ bị chấn thương vùng đầu, nhất là chịu va đập mạnh thì bố mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám ngay để được kiểm tra chi tiết. Trong trường hợp cơn đau đầu ở trẻ em ngày càng nghiêm trọng hơn sau đó thì hãy liên hệ lại với bác sĩ để được hỗ trợ.

Chấn thương vùng đầu do té ngã có thể gây đau đầu ở trẻ nhỏ
Chấn thương vùng đầu do té ngã có thể gây đau đầu ở trẻ nhỏ

2.3 Các vấn đề về mắt

Một số vấn đề về mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị nếu không phát hiện sớm hoặc dùng kính không đúng tiêu cự khiến mắt phải liên tục điều tiết cũng có thể dẫn đến đau đầu. Bên cạnh đó, các bệnh lý về mắt như viêm tuyến lệ, viêm kết mạc… cũng dẫn đến cơn đau đầu ở trẻ.

2.4 Do yếu tố cảm xúc

Tình trạng căng thẳng, lo lắng kéo dài do học tập nặng nề hoặc các mối quan hệ xung quanh (với bạn bè, thầy cô, phụ huynh) là một trong những yếu tố khiến trẻ đau đầu. Một số trường hợp, trẻ cũng có thể đau đầu khi bị mất cân bằng cảm xúc, cảm thấy cô đơn, buồn bã hay trầm cảm.

Căng thẳng do học tập và các mối quan hệ có thể khiến trẻ bị đau đầu
Căng thẳng do học tập và các mối quan hệ có thể khiến trẻ bị đau đầu

2.5 Yếu tố di truyền

Chứng đau đầu, nhất là đau nửa đầu có xu hướng di truyền. Tức là những trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh đau đầu sẽ có nguy cơ bị đau đầu cao hơn những đứa trẻ khác. Theo thống kê, có đến 60% trường hợp đau đầu ở trẻ em có bố mẹ hoặc anh chị ruột cũng đang mắc chứng bệnh này.

2.6 Vấn đề về não bộ

Trong một vài trường hợp hiếm gặp, trẻ em mắc một số bệnh lý về não bộ như khối u não, áp xe hoặc xuất huyết não, gây chèn ép lên dây thần kinh và khiến trẻ bị đau đầu mãn tính với cường độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng như suy giảm thị lực, mất kiểm soát các chi, chóng mặt, buồn nôn, nôn và co giật.

2.7 Các thực phẩm và đồ uống không lành mạnh

Một số thực phẩm hay đồ uống như cà phê, trà, socola… có khả năng kích thích não bộ và khiến trẻ bị đau đầu. Bên cạnh đó, đối với trẻ thường xuyên ăn các thực phẩm chế biến sẵn, có chứa chất bảo quản, nhiều nitrat (như xúc xích, thịt xông khói…) sẽ làm tăng nguy cơ đau đầu.

Socola, thực phẩm chế biến sẵn có thể kích thích cơn đau đầu ở trẻ
Socola, thực phẩm chế biến sẵn có thể kích thích cơn đau đầu ở trẻ

3. Các vị trí đau đầu thường gặp ở trẻ em

3.1 Đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một tình trạng đau đầu ở trẻ em rất phổ biến và có tính di truyền. Theo ước tính có đến 20% thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu với độ tuổi trung bình khởi phát bệnh là 7 tuổi ở bé trai và 10 tuổi ở bé gái. Thông thường, cơn đau nửa đầu ở bé gái có liên quan đến sự thay đổi hormone do chu kỳ kinh nguyệt.

Các triệu chứng đau nửa đầu thường có sự khác nhau ở mỗi trẻ nhưng vẫn có một vài dấu hiệu phổ biến như sau:

  • Trẻ cảm thấy đau ở một bên hoặc cả hai bên đầu, đôi khi có thể lan ra toàn thân.
  • Cơn đau có tính chất nhói hoặc theo nhịp đập, nhưng trẻ thường khó diễn tả rõ ràng.
  • Trẻ trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng và âm thanh.
  • Có thể xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa, hoặc đau bụng.
  • Trẻ thường mệt mỏi và im lặng hơn bình thường.
  • Một số trẻ có dấu hiệu báo trước như nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy, tầm nhìn thay đổi, hoặc nhận thấy mùi lạ.
Đau nửa đầu khiến trẻ mệt mỏi, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng 
Đau nửa đầu khiến trẻ mệt mỏi, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng

3.2 Đau đầu ở trẻ em do căng thẳng

\Một số triệu chứng thường gặp của đau đầu ở trẻ em do căng thẳng là:

  • Đau ở cả hai bên đầu.
  • Đau âm ỉ hoặc cảm giác như bị bó chặt quanh đầu, cơn đau có thể lan ra phía sau đầu hoặc cổ. 
  • Cường độ đau từ nhẹ đến trùng bình, không đau dữ dội.
  • Trẻ bị thay đổi thói quen ngủ.
  • Trẻ bị đau đầu do căng thẳng thường không buồn nôn, nôn mửa hay nhạy cảm với ánh sáng.

3.3 Đau đầu cụm

Theo báo VOH, đau đầu cụm thường khởi phát ở trẻ em trên 10 tuổi, đặc biệt phổ biến hơn ở bé trai. Tình trạng này cũng ít xảy ra ở trẻ hơn so với đau đầu căng thẳng hay đau nửa đầu. Các cơn đau đầu thường xảy ra theo cụm, có thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng và lặp lại sau mỗi năm hoặc hai năm. Một số dấu hiệu đặc trưng của đau đầu cụm ở trẻ em là:

  • Đau dữ dội một bên đầu, thường là phía sau một bên mắt.
  • Mắt bị ảnh hưởng có thể sụp mí mắt, đồng tử nhỏ, mí mắt sưng và đỏ.
  • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
  • Sưng trán.
Đau đầu cụm gây cơn đau dữ dội một bên đầu
Đau đầu cụm gây cơn đau dữ dội một bên đầu

4. Phương pháp chẩn đoán đau đầu ở trẻ em

Khi trẻ bị đau đầu, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Tại đây, bác sĩ sẽ thu thập thông tin bệnh sử của trẻ và thực hiện thăm khám sức khỏe lâm sàng. Sau đó, tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như:

  • Chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI): Cung cấp hình ảnh chi tiết về toàn bộ cấu trúc bên trong não, từ đó giúp bác sĩ phát hiện được những vấn đề bất thường như khối u, phình động mạch, rối loạn hệ thần kinh ( MRI không chẩn đoán được bệnh này) có thể là nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em.
  • Chụp cắt lớp (CT): Tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong hộp sọ giúp bác sĩ xác định các trường hợp chảy máu trong não, khối u hoặc các bệnh và dị dạng hộp sọ.
  • Chọc dò tủy sống: Bác sĩ lấy và phân tích một lượng nhỏ dịch não tủy tại vùng thắt lưng cột sống. Kết quả xét nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán được các bệnh nhiễm trùng như viêm não (dịch não tủy chỉ chẩn đoán được viêm não), viêm màng não, viêm hệ thần kinh và các bệnh lý liên quan.
Bác sĩ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán đau đầu ở trẻ
Bác sĩ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán đau đầu ở trẻ

5. Trẻ bị đau đầu, bố mẹ cần làm gì?

5.1 Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Cho trẻ thực hiện chế độ ăn uống khoa học, cân bằng, đủ chất là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ bị đau đầu. Từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, hạn chế tình trạng đau đầu hay mắc các bệnh vặt. Ngoài ra, trẻ bị đau đầu cũng nên bổ sung một số loại vitamin tự nhiên sau đây vào bữa ăn:

  • Vitamin B2: Có tác dụng giảm bớt cường độ và tần suất cơn đau đầu.
  • Magie: Có thể giảm nhẹ và phòng ngừa tình trạng đau đầu ở trẻ em, đặc biệt là đau nửa đầu.
  • Coenzyme Q10: Có tác dụng xoa dịu và ngăn ngừa cơn đau đầu tương tự như magie.

5.2 Quản lý căng thẳng

Đối với tình trạng đau đầu ở trẻ em do căng thẳng, bố mẹ nên tìm hiểu về nguyên nhân gây ra vấn đề này, từ đó giải quyết và ngăn chặn nó tái diễn. Trong một vài trường hợp, phụ huynh có thể khó xác định nguyên nhân gây căng thẳng cho trẻ hoặc trẻ chưa diễn tả được qua lời nói. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng thiết bị cảm biến để ghi lại phản ứng của cơ thể khi đau đầu để sàng lọc và phát hiện vấn đề.

Bên cạnh đó, trẻ em nên có thời gian biểu cho việc học tập và nghỉ ngơi hợp lý để tạo không gian thoải mái, hạn chế căng thẳng, lo lắng hay áp lực. Khi ngủ, bố mẹ nên kê gối cho phần đầu của trẻ cao hơn phần thân cũng như bố trí không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, thoáng mát. Một số phương pháp sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và thư thái hơn như hít thở sâu, thiền, liệu pháp hương thơm, âm nhạc hoặc tư vấn tâm lý.

Giúp trẻ giảm căng thẳng, lo lắng để xoa dịu cơn đau đầu
Giúp trẻ giảm căng thẳng, lo lắng để xoa dịu cơn đau đầu

5.3 Theo dõi các triệu chứng

Khi trẻ bị đau đầu, phụ huynh chỉ nên cho trẻ sử dụng thuốc đúng với loại và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các triệu chứng của con sau khi dùng thuốc. Nếu trẻ có kèm theo nôn, sốt, chảy nước mũi, ( co giật, yếu liệt tay chân)… thì bố mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả.

5.4 Sử dụng thuốc giảm đau

Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến để giảm tình trạng đau đầu ở trẻ em như acetaminophen và ibuprofen. Tuy nhiên, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và cần thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý rằng không cho trẻ sử dụng aspirin vì thuốc có thể gây nên Hội chứng Reye, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Đối với trẻ trên 6 tuổi bị mắc chứng đau nửa đầu, bác sĩ có thể chỉ định triptans để xoa dịu cơn đau. Ngoài ra nếu đau đầu kèm theo triệu chứng nôn mửa, sốt… thì kê thêm các loại thuốc để điều trị những triệu chứng đi kèm này.

Cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau đầu theo chỉ định của bác sĩ
Cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau đầu theo chỉ định của bác sĩ

6. Dấu hiệu cảnh bảo đau đầu nguy hiểm ở trẻ

Nếu cơn đau đầu ở trẻ em chỉ xuất hiện thoáng qua với mức độ nhẹ thì phụ huynh cũng không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau đầu xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ, tần suất và cường độ đau tăng dần kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Lúc này, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt.

Cần đưa trẻ thăm khám ngay nếu cơn đau xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn
Cần đưa trẻ thăm khám ngay nếu cơn đau xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn

7. Khi nào đau đầu ở trẻ nên được khám ngay?

Khi chăm sóc trẻ bị đau đầu, phụ huynh nên chú ý quan sát biểu hiện của trẻ và nên đưa đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu như sau:

  • Cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu xuất hiện đột ngột và dữ dội.
  • Đau đầu đột ngột kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, méo miệng, khó di chuyển chân tay, sốt cao không thể hạ nhiệt dù đã dùng thuốc…
  • Cơn đau đầu ở trẻ em xuất hiện thường xuyên hơn.
  • Cơn đau đầu xuất hiện sau khi bị chấn thương vùng đầu.

8. Một số biện pháp phòng ngừa đau đầu cho trẻ tại nhà

Để phòng ngừa chứng đau đầu ở trẻ, phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học kết hợp thời gian vận động và giải trí hợp lý cho trẻ.
  • Nên rèn luyện cho trẻ đi ngủ và thức giấc đúng giờ, đều đặn mỗi ngày, ngủ đủ giấc để tránh thiếu ngủ gây mệt mỏi, căng thẳng cho trẻ.
  • Không nên cho con ăn quá no, hạn chế dùng các thiết bị di động trước khi đi ngủ.
  • Nếu trẻ thường xuyên căng thẳng và lo lắng dẫn đến nhức đầu thì ba mẹ nên hướng dẫn bé bài tập hít thở hoặc ngồi thiền để giảm căng thẳng.
  • Nên cho bé uống nhiều nước để bổ sung năng lượng và phòng ngừa chứng đau đầu do mất nước.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau xanh, trái cây vào bữa ăn hàng ngày, tránh những món ăn nhiều giàu mỡ hay các loại thịt chế biến sẵn.

Trên đây là một số thông tin về chứng đau đầu ở trẻ em, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị. Với cơn đau đầu ở trẻ, phụ huynh không nên chủ quan và tự điều trị. Thay vào đó nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám sớm để được tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp nhất.

Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:

1. Professional, C. C. M. (n.d.). Headaches. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9639-headaches

2. Viện Y học Ứng dụng Việt Nam. (2023, June 14). Sử dụng thuốc giảm đau đúng cách cho trẻ em. https://vienyhocungdung.vn/su-dung-thuoc-giam-dau-dung-cach-cho-tre-em-20230614112957395.htm

3. VOH. (2019, June 26). Trẻ bị đau đầu có phải là dấu hiệu của bệnh lý?. https://voh.com.vn/me-va-be/tre-bi-dau-dau-323063.html

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch