Loader logo

Đau đầu kéo dài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

thumbnail
By Optimal365 Chiropractic
22/12/2024
|

Cơn đau đầu thông thường chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thời gian đau đầu kéo dài nhiều ngày liên tục khiến người bệnh vô cùng khó chịu, mệt mỏi. Đồng thời còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe. Bài viết sau đây, Optimal365 Chiropractic sẽ làm rõ triệu chứng đau đầu kéo dài là bệnh gì, nguyên nhân do đâu và cách điều trị hiệu quả.

1. Đau đầu kéo dài là bệnh gì?

Đau đầu kéo dài là tình trạng cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên và kéo dài liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Tình trạng này khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân do bệnh lý và nguyên nhân không do bệnh lý (như lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt…).

Cơn đau đầu kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh
Cơn đau đầu kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh

Sự kéo dài liên tục của các cơn đau đầu đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhức đầu kéo dài không phải là một loại đau đầu cụ thể mà bao gồm nhiều loại đau đầu khác nhau như:

  • Đau đầu căng cơ: Là cơn đau đầu từ nhẹ đến vừa, cảm giác như đầu bị bó, kẹp bởi một sợi dây quấn căng chặt xung quanh đầu.
  • Đau nửa đầu: Là tình trạng đau đầu dữ dội có thể xảy ra ở nửa đầu bên trái hoặc bên phải.
  • Đau đầu từng cơn: Gây cơn đau dữ dội một bên đầu, xảy ra theo từng cơn và lặp lại thường xuyên trong một khoảng thời gian từ vài tuần cho đến vài tháng.
  • Đau nửa đầu liên tục: Là cơn đau đầu xảy ra ở một bên đầu với cảm giác đau tương tự như đau nửa đầu.

2. Các triệu chứng phổ biến khi đau đầu kéo dài liên tục

Các triệu chứng của đau đầu kéo dài thường khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng phổ biến như sau:

  • Đặc điểm cơn đau:
    • Đau âm ỉ, liên tục hoặc nhói từng cơn, có thể nặng dần theo thời gian.
    • Vị trí cơn đau thường khu trú ở một bên đầu, vùng trán, sau gáy, hoặc lan tỏa toàn bộ đầu.
    • Cảm giác đau bó chặt quanh đầu như bị sợi dây quấn chặt xung quanh.
  • Rối loạn cảm giác:
    • Nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, đặc biệt trong đau nửa đầu.
    • Có thể kèm theo mờ mắt hoặc nhìn không rõ, đặc biệt nếu liên quan đến rối loạn mạch máu não.
    • Một số trường hợp xuất hiện ù tai, giảm thính lực hoặc cảm giác đầy tai.
  • Triệu chứng thần kinh: 
    • Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng.
    • Tê bì, châm chích hoặc yếu cơ ở vùng cổ, vai, hoặc chi, thường gặp nếu có chèn ép dây thần kinh.
    • Buồn nôn và nôn mửa, đây là triệu chứng thường gặp của cơn đau nửa đầu.
  • Các dấu hiệu toàn thân:
    • Mệt mỏi kéo dài, kiệt sức do cơn đau liên tục làm giảm chất lượng giấc ngủ và ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày.
    • Sốt nhẹ hoặc ớn lạnh, có thể liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng như viêm xoang mãn tính hoặc viêm màng não.
    • Mất cảm giác ngon miệng, suy nhược cơ thể trong trường hợp đau đầu kéo dài không được điều trị.
  • Triệu chứng về biên độ vận động:
    • Cứng cổ hoặc đau khi cử động cổ, vai, gáy, đặc biệt trong trường hợp đau đầu liên quan đến thoái hóa đốt sống cổ.
    • Hạn chế vận động cơ thể vì cơn đau nặng lên khi thay đổi tư thế hoặc hoạt động.
  • Trong sinh hoạt hàng ngày:
    • Thức giấc giữa đêm do cơn đau đầu, dẫn đến giấc ngủ kém và mệt mỏi vào ban ngày.
    • Gián đoạn các hoạt động hằng ngày, từ công việc, học tập đến giao tiếp xã hội, do cơn đau kéo dài.

Nếu các triệu chứng trên xuất hiện hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi kèm sốt cao, cứng cổ, hoặc yếu liệt chi, cần đến bác sĩ ngay lập tức để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.

Người bệnh thấy đau nhức đầu, có thể lan ra cổ vai gáy
Người bệnh thấy đau nhức đầu, có thể lan ra cổ vai gáy

3. Nguyên nhân dẫn đến đau đầu kéo dài

3.1 Đau đầu kéo dài do bệnh lý

Khác với đau đầu nguyên phát thông thường, đau đầu thứ phát có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đối với trường hợp này, việc xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu và lựa chọn phương pháp điều trị tận gốc là điều vô cùng quan trọng.

Cụ thể, tình trạng đau đầu kéo dài có thể bị gây ra bởi một số nguyên nhân bệnh lý như sau:

  • Chứng đau nửa đầu migraine: Xuất hiện cơn đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải, thường không cố định và đau nhói theo nhịp như mạch đập. Ngoài ra còn đi kèm các triệu chứng như nôn ói, buồn nôn, nhạy cảm ánh sáng, âm thanh, mùi lạ… Dù là bệnh lành tính nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
  • Thoái hóa đốt sống cổ gây đau đầu: Thoái hóa cột sống cổ thường đi kèm với hiện tượng mọc gai xương, xẹp đĩa đệm. Những thay đổi này có thể chèn ép các rễ thần kinh vùng cổ, đặc biệt là dây thần kinh lớn như dây chẩm lớn. Dây thần kinh chẩm lớn có nguồn gốc từ đốt sống C2-C3, khi bị kích thích hoặc chèn ép, gây đau đầu khu trú ở vùng chẩm, lan tỏa lên đỉnh đầu và đôi khi ra phía trước trán. Đi kèm tình trạng hoa mắt, chóng mặt, giảm khả năng ghi nhớ,…
  • Viêm xoang: Hầu hết người bệnh viêm xoang đều gặp phải tình trạng nhức đầu kéo dài, đặc biệt là khu vực trán, giữa hai mắt, hai bên mũi, hàm trên… Để chấm dứt tình trạng đau đầu này, người bệnh cần điều trị dứt điểm chứng viêm xoang.
  • Tăng huyết áp: Trường hợp huyết áp tăng cao đột ngột (từ 140/90mHg trở lên) có thể gây nên cơn đau đầu. Lúc này người bệnh còn cảm thấy hoa mắt, choáng váng, buồn nôn, ù tai, tức ngực, đỏ mặt. Nếu không hạ huyết áp kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch nguy hiểm và nguy cơ đột quỵ.
  • Khối u trong não: Khi khối u phát triển bất thường, tăng dần về kích thước sẽ dẫn đến chèn ép mô não và làm tăng áp lực nội sọ. Điều này sẽ gây nên những cơn đau với tần suất dày đặc, nhất là vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau khi ho, hắt hơi. Một số triệu chứng khác kèm theo là động kinh, suy giảm thị lực, giảm tỉnh táo, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, sốt…
  • Viêm màng não/ Nhiễm trùng não: Các bệnh lý liên quan đến não cũng có thể dẫn đến cơn đau đầu dai dẳng. Ngoài ra còn các triệu chứng như sốt, cứng cổ, nhạy cảm ánh sáng, buồn nôn và nôn, mệt mỏi… Đối với trường hợp này cần được can thiệp y tế người bệnh không thể nào tự khỏi bệnh.
  • Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc mất ngủ, dẫn đến tình trạng đau đầu kéo dài, đặc biệt vào buổi sáng. Với trường hợp mất ngủ mãn tính, cơn đau đầu càng trầm trọng hơn, tạo vòng luẩn quẩn: mất ngủ gây đau đầu, đau đầu lại khiến giấc ngủ thêm khó khăn
  • Các bệnh lý về mắt: Một số bệnh lý về mắt như cận thị nếu không được chăm sóc đúng cách cũng có thể là nguyên nhân của chứng nhức đầu kéo dài. Nguyên nhân là mắt phải cố gắng điều tiết liên tục, gây căng thẳng cho mắt và cơn đau nhức ở trán, xung quanh mắt và đỉnh đầu.
Đau đầu liên tục có nguyên nhân do nhiều bệnh lý
Đau đầu liên tục có nguyên nhân do nhiều bệnh lý

3.2 Đau đầu kéo dài không do bệnh lý

Đau đầu nguyên phát là nhóm đau đầu xảy ra do sự rối loạn trong hoạt động của não bộ, hệ thần kinh trung ương, hoặc hệ thống mạch máu não mà không liên quan đến bất kỳ tổn thương cấu trúc hay bệnh lý nền cụ thể nào. Đây là loại đau đầu phổ biến nhất, thường gặp ở cả người trẻ tuổi lẫn người trưởng thành, và được phân chia thành các loại chính sau:

  • Trạng thái tinh thần căng thẳng: Thường xuyên chịu áp lực, stress, lo lắng quá mức trong công việc và cuộc sống là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra những cơn nhức đầu. Tuy nhiên trường hợp này có thể tự khôi phục khi người bệnh được thư giãn, nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Chế độ ăn uống: Ăn không đủ chất dinh dưỡng, bỏ bữa thường xuyên, ăn nhiều thực phẩm giàu natri hoặc dùng quá nhiều rượu bia, chất kích thích, phô mai cũng là nguyên nhân của chứng nhức đầu kéo dài. Việc người bệnh thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn có thể làm thuyên giảm cơn đau.
  • Thiếu ngủ: Người thường hay thức khuya, mất ngủ hoặc người bị rối loạn đồng hồ sinh học không thể ngủ được do vừa di chuyển đến quốc gia có múi giờ khác cũng dễ gặp chứng đau nhức đầu kéo dài.
  • Sử dụng thiết bị điện tử: Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử (điện thoại, tivi, laptop, máy tính bảng…) và trạng thái tập trung vào các thiết bị này cũng là nguyên nhân gây đau đầu. Đặc biệt với những người có thời gian sử dụng thiết bị điện tử trên 8 tiếng/ngày thì nguy cơ đau đầu kéo dài cũng cao hơn.
  • Lạm dụng thuốc giảm đau: Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau quá liều trong thời gian dài làm tăng nguy cơ đau đầu. Ngoài ra, người bệnh cũng phải đối mặt với tình trạng thuốc không còn phát huy tác dụng giảm đau khiến bệnh tình lặp đi lặp lại, rất khó chữa trị triệt để tận gốc.
  • Sự thay đổi nồng độ hormone: Phụ nữ trong thời kỳ thay đổi hormone (như kinh nguyệt, thai kỳ, tiền mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai) cũng có thể gây ra tình trạng đau nhức đầu kéo dài.
Căng thẳng tinh thần kéo dài là nguyên nhân gây đau đầu phổ biến
Căng thẳng tinh thần kéo dài là nguyên nhân gây đau đầu phổ biến

4. Bị đau đầu kéo dài có nguy hiểm không?

Đau đầu kéo dài là một triệu chứng phổ biến có thể xuất hiện với bất cứ ai. Thông thường, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi, khó tập trung, suy giảm trí nhớ.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nhức đầu kéo dài nhiều ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm màng não, viêm não, u não, tăng áp lực hộp sọ hay đột quỵ. Do đó, người bệnh không nên chủ quan với triệu chứng nhức đầu kéo dài mà nên đến bác sĩ để được thăm khám tìm ra nguyên nhân và khắc phục sớm.

5. Khi nào cần gặp bác sĩ nếu đau đầu kéo dài?

Mặc dù các cơn đau đầu xuất hiện rất phổ biến và hầu hết lành tính nhưng nếu người bệnh bị đau đầu liên tục, kéo dài từ 3 – 4 ngày trở lên thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Đặc biệt, nếu cơn đau ngày càng tiến triển nặng, đã dùng thuốc giảm đau mà không khỏi và đi kèm với các triệu chứng như sau:

  • Sốt, cứng cổ.
  • Buồn nôn và nôn ói.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Tê yếu một bên cơ thể hoặc cả hai bên.
Gặp bác sĩ khi đau đầu kéo dài liên tục không thuyên giảm
Gặp bác sĩ khi đau đầu kéo dài liên tục không thuyên giảm

6. Phương pháp chẩn đoán bệnh đau đầu kéo dài liên tục

Để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh nhức đầu kéo dài, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng và hỏi người bệnh những thông tin liên quan đến tình trạng bệnh như triệu chứng, mức độ đau, tần suất đau, thời gian xuất hiện cơn đau đầu…

Tiếp đó, tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện một vài xét nghiệm như:

  • Chụp MRI hoặc CT: Thể hiện hình ảnh chi tiết cấu trúc bên trong não, từ đó giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở não, chấn thương, nhiễm trùng, chảy máu hoặc khối u… có thể là nguyên nhân gây đau đầu kéo dài.
  • Xét nghiệm máu: Một số chứng viêm như viêm não, viêm não tủy… sẽ dẫn đến cơn nhức đầu. Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ loại trừ được những nguyên nhân gây bệnh này.
  • Lấy dịch não tủy: Kết quả xét nghiệm dịch não tủy để chẩn đoán bệnh lý liên quan hệ thống thần kinh trung ương như u não, xuất huyết não, viêm não và các bệnh lý khác.

Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện thêm những xét nghiệm chuyên sâu hơn như đo điện não đồ. Tốt nhất, bệnh nhân nên ghi lại nhật ký cơn đau, hoạt động trong ngày, thói quen ăn uống và chất lượng giấc ngủ để bác sĩ có đầy đủ thông tin đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Bác sĩ thực hiện thăm khám và các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân bệnh
Bác sĩ thực hiện thăm khám và các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân bệnh

7. Phương pháp điều trị tình trạng đau đầu kéo dài

7.1 Sử dụng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau là phương pháp điều trị phổ biến nhất với những cơn đau đầu kéo dài. Một số loại thuốc như: paracetamol, ibuprofen, aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) hoạt động bằng cách ức chế các chất gây viêm (prostaglandins) hoặc giảm dẫn truyền tín hiệu đau trong hệ thần kinh. Điều này giúp làm giảm cường độ cơn đau trong thời gian ngắn.

Thuốc giảm đau có thể hiệu quả trong các trường hợp đau đầu căng cơ hoặc đau đầu nguyên phát nhẹ. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân đau đầu kéo dài là do bệnh lý phức tạp như thoái hóa cột sống cổ, rối loạn tuần hoàn não, hoặc các bệnh lý thần kinh khác, thuốc chỉ giảm triệu chứng mà không điều trị dứt điểm. Ngược lại, nếu lạm dụng trong thời gian dài, có thể gây ra tác dụng phụ, lờn thuốc.

7.2. Thay đổi lối sống

  • Về giấc ngủ: Duy trì giấc ngủ đều đặn, tối thiểu 7–8 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ sâu giúp tái tạo các chất dẫn truyền thần kinh, giảm nguy cơ đau đầu.
  • Về chế độ ăn: Tránh các thực phẩm kích thích như caffein, rượu bia, và thực phẩm giàu tyramine (pho mát, rượu vang đỏ)
  • Cách quản lý căng thẳng:  Một số giải pháp hữu ích như thiền, tập yoga, đi bộ, nghe nhạc, vẽ tranh… được cho là mang lại tác dụng giảm lo lắng, căng thẳng, giúp thư giãn cơ thể và tinh thần.
  • Đối với tình trạng đau đầu do mất nước, nên duy trì uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
Duy trì giấc ngủ đều đặn
Duy trì giấc ngủ đều đặn

7.3. Trị liệu Thần kinh Cột Sống – Chiropractic

Chiropractic là phương pháp điều trị không dùng thuốc, tập trung vào việc điều chỉnh cột sống và các cấu trúc cơ xương khớp liên quan. Với các tình trạng đau đầu kéo dài do bệnh lý cơ xương khớp hoặc cột sống, phương pháp này được xem là hiệu quả nhờ cơ chế khoa học sau:

  • Điều chỉnh lại sự sai lệch cột sống: 
    • Sai lệch tại đốt sống cổ (đặc biệt là C1–C7) có thể gây chèn ép dây thần kinh, ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu thần kinh giữa não và các cơ quan khác. Điều này không chỉ gây đau vùng cổ vai gáy mà còn dẫn đến đau đầu kéo dài.
    • Vì vậy, kỹ thuật điều chỉnh Chiropractic sẽ giúp đưa đốt sống trở về vị trí đúng, giải phóng áp lực lên dây thần kinh và cải thiện chức năng cột sống. Điều này giúp giảm các tín hiệu đau dẫn truyền lên não, ngăn chặn vòng lặp đau đầu kéo dài liên tục nhiều ngày.
Trị liệu thần kinh cột sống tại Optimal365 Chiropractic giúp giảm đau đầu kéo dài
Trị liệu thần kinh cột sống tại Optimal365 Chiropractic giúp giảm đau đầu kéo dài
  • Giảm căng cơ vùng cổ vai gáy: 
    • Tình trạng căng cơ cổ vai gáy do tư thế sai hoặc làm việc kéo dài là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau đầu. Chiropractic không chỉ điều chỉnh cột sống mà còn giúp giảm co cứng cơ, cải thiện tính linh hoạt của các mô cơ.
    • Về cơ chế tác động lâu dài, Việc giải phóng áp lực cơ từ các đốt sống cổ sẽ giúp giảm tình trạng đè nén, chèn ép rễ thần kinh lên cơ vùng cổ, vai và gáy, từ đó giảm tần suất và mức độ đau đầu.

Tại Việt Nam, Trung tâm trị liệu cơ xương khớp, cột sống Optimal365 Chiropractic là đơn vị tiên phong cung cấp các giải pháp chữa trị đau đầu thông qua phương pháp trị liệu Thần kinh Cột sống. Chúng tôi sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm cam kết mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe khoa học, an toàn và hiệu quả.

Đặc biệt, quy trình điều trị “3 Không” – “Không tiêm, Không thuốc, Không phẫu thuật” – được thiết kế nhằm mang lại sự an tâm và thoải mái cho người bệnh trong suốt quá trình trị liệu. Đồng hành cùng đó, chúng tôi không ngừng nâng cấp hệ thống thiết bị hiện đại và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hàng đầu. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả phục hồi mà còn đảm bảo mang đến sự chăm sóc toàn diện, giúp cải thiện sức khỏe xương khớp một cách bền vững. Với cam kết về chất lượng dịch vụ, chúng tôi tự hào trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy cho mỗi khách hàng.

Điều trị đau đầu kéo dài do bệnh lý xương khớp tại Optimal365 Chiropractic
Điều trị đau đầu kéo dài do bệnh lý xương khớp tại Optimal365 Chiropractic

Tình trạng đau đầu kéo dài thường ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần người bệnh, làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan với căn bệnh này, nên thăm khám sớm nếu có triệu chứng nhức đầu kéo dài để được điều trị hiệu quả.

Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:

1. Clinic, C. (2022). New Daily Persistent Headache (NDPH): Symptoms & Treatment. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24098-new-daily-persistent-headache-ndph

2. Mayo Clinic. (2019). Chronic daily headaches – Symptoms and causes. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-daily-headaches/symptoms-causes/syc-20370891

3. Gotter, A. (2018, August 29). Long Lasting Headache: What It Means and What You Can Do. Healthline; Healthline Media. https://www.healthline.com/health/headache-wont-go-away

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch