Đau thần kinh tọa là một tình trạng bệnh lý thường gặp do thoát vị đĩa đệm hoặc trượt đốt sống. Gây ra những cơn đau lan tỏa từ lưng xuống chân. Bên cạnh việc điều trị bằng phương pháp chuyên sâu, người bệnh nên kết hợp áp dụng các bài tập phục hồi chức năng để tăng tốc độ phục hồi và duy trì hiệu quả điều trị. Dưới đây là 18 bài tập giảm đau thần kinh tọa hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.
Bị đau dây thần kinh tọa có nên tập thể dục không?
Người bị đau dây thần kinh tọa nên duy trì tập thể dục, vì khi tập luyện đúng cách, hoạt động thể chất không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ phục hồi chức năng và ngăn ngừa tổn thương tái phát. Các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, hoặc bơi lội giúp thư giãn dây chằng cột sống và giảm co cứng cơ. Từ đó mang lại sự linh hoạt và cảm giác thoải mái cho cơ thể.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Physical Medicine & Rehabilitation, việc tập thể dục định kỳ có thể giúp giảm đau và cải thiện tính linh hoạt cho người bị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tập luyện đúng bài tập và lắng nghe cơ thể bạn.
Các bài tập đau dây thần kinh tọa mang lại lợi ích gì?
Tập luyện phù hợp cho người bị đau thần kinh tọa mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm:
- Tăng sức mạnh nhóm cơ: Các bài tập tập trung vào các nhóm cơ lõi như cơ bụng, cơ lưng dưới, và cơ hông sẽ giúp giảm bớt áp lực trên đĩa đệm, cột sống và dây thần kinh tọa, từ đó làm giảm sự chèn ép lên dây thần kinh.
- Cải thiện độ linh hoạt: Đau thần kinh tọa sẽ dẫn tới tình trạng các nhóm cơ bị co cứng, do đó để làm mềm cơ, các bài tập giãn cơ cho vùng hông và lưng dưới sẽ góp phần giúp cải thiện tính linh hoạt của cột sống.
- Giảm viêm, giảm đau: Tập luyện kích thích cơ thể sản sinh ra Endorphin, một loại hormone tự nhiên có tác dụng như thuốc giảm đau. Endorphin giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, và làm dịu cơn đau thần kinh tọa. Quá trình này cũng giúp cho việc lưu thông máu đến các mô cơ trở nên dễ dàng hơn.
- Phòng ngừa tái phát bệnh lý: Khi cơ thể đã quen với việc tập luyện đều đặn, các nhóm cơ xung quanh cột sống sẽ trở nên khỏe hơn, từ đó giúp bảo vệ cột sống và giảm thiểu nguy cơ các đĩa đệm bị thoát vị hoặc trượt đốt sống gây chèn ép dây thần kinh.
Các bài tập giảm đau thần kinh tọa đơn giản
Bài tập Plank
Tác dụng: Plank giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa, từ đó cải thiện cơn đau và hỗ trợ quá trình hồi phục, nâng cao khả năng cải thiện tư thế.
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Bắt đầu với tư thế nằm úp mặt xuống sàn, đặt hai khuỷu tay chống xuống, vuông góc với vai, hai chân khép lại và duỗi thẳng đầu gối.
- Bước 2: Từ từ nâng toàn bộ cơ thể lên, đảm bảo giữ cho đầu, thân và chân thẳng hàng, tạo thành một đường thẳng từ đầu đến gót chân.
- Bước 3: Duy trì tư thế này trong khoảng 30 giây hoặc lâu hơn, cho đến khi hai bả vai khép vào nhau hoặc khi bụng bắt đầu hạ thấp và cơ thể rung nhẹ.
Tần suất thực hiện: Để đạt hiệu quả giảm đau thần kinh tọa, bệnh nhân nên thực hiện bài tập plank này khoảng 2-3 lần mỗi ngày. Lưu ý tăng dần thời gian khi đã quen để cải thiện sức mạnh cơ bụng, cơ lưng và hỗ trợ tốt hơn cho quá trình hồi phục.
Bài tập bắc cầu – Bridge
Tác dụng: Tập trung vào việc tăng cường sức mạnh cơ mông, ổn định cột sống và giảm áp lực lên đĩa đệm, từ đó cải thiện cơn đau thần kinh tọa hiệu quả. Ngoài ra, bài tập còn cải thiện tư thế và tăng cường lưu thông máu đến vùng cột sống, thúc đẩy quá trình phục hồi các mô bị tổn thương.
Cách thực hiện bài tập:
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, hai đầu gối co, cách mông khoảng 30cm. Hai tay đặt dọc theo thân người, lòng bàn tay úp xuống.
- Bước 2: Hít vào, từ từ nâng hông lên khỏi mặt sàn, siết chặt cơ mông và cơ bụng. Đẩy hông lên cao cho đến khi thân người tạo thành một đường thẳng từ đầu gối đến vai. Giữ nguyên tư thế trong 2-3 giây
- Bước 3: Thở ra, từ từ hạ hông xuống về vị trí ban đầu. Thực hiện 10-15 lần mỗi hiệp, nghỉ ngơi 30 giây giữa các hiệp.
Bài tập superman – Tư thế siêu nhân
Tác dụng: Tác động trực tiếp vào các nhóm cơ vùng lưng dưới (cơ dựng sống), cơ mông và cơ đùi sau giúp giảm áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh tọa.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Nằm sấp trên sàn, hai tay duỗi thẳng về phía trước, ngang bằng với vai. Hai chân duỗi thẳng ra sau.
- Bước 2: Hít vào, đồng thời nâng đầu, ngực, hai tay và hai chân lên khỏi mặt sàn. Giữ cho cổ và lưng thẳng hàng.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong 2-3 giây, siết chặt cơ lưng dưới và mông.
- Bước 4: Thở ra, từ từ hạ thấp cơ thể trở về vị trí ban đầu.
Bài tập hamstring – kéo giãn cơ đùi sau
Tác dụng: Bài tập này tác động chính vào nhóm cơ hamstring, bao gồm cơ bám màng, cơ nhị đầu đùi và cơ bán gân. Kéo giãn các cơ này giúp giảm căng thẳng cho vùng lưng dưới.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, hai chân duỗi thẳng, mũi chân hướng lên trên.
- Bước 2: Quấn khăn hoặc dây quanh lòng bàn chân của một chân.
- Bước 3: Giữ chân thẳng, từ từ kéo khăn về phía ngực cho đến khi cảm thấy căng ở phía sau chân và đùi. Giữ tư thế trong 20-30 giây, thở đều
- Bước 4: Từ từ thả lỏng chân, trở về vị trí ban đầu. Thực hiện 2-3 lần cho mỗi chân
Bài tập Cat – Cow
Tác dụng: Bài tập Cat – Cow giúp cải thiện độ linh hoạt của cột sống, giúp các đốt sống di chuyển linh hoạt, giảm cứng khớp. Đồng thời giảm áp lực lên đĩa đệm, giảm đau lưng dưới và cổ. Tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện lưu thông máu đến cột sống và các cơ xung quanh.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Quỳ gối trên sàn, hai tay chống xuống sàn ngay dưới vai, đầu gối vuông góc với sàn, hai đầu gối rộng bằng hông.
- Bước 2: Hít vào, từ từ cong lưng lên như con mèo, cằm hướng xuống ngực, vai hóp lại.
- Bước 3: Thở ra, từ từ cong lưng xuống, nâng đầu lên, nhìn về phía trần nhà. Thực hiện động tác này 5-10 lần, kết hợp nhịp thở đều đặn.
Lưu ý khi thực hiện:
- Giữ lưng thẳng, tránh cong lưng quá mạnh để tránh gây áp lực lên cột sống.
- Thực hiện động tác một cách chậm rãi và đều đặn để cảm nhận rõ sự chuyển động của cột sống.
- Hít vào khi cong lưng lên và thở ra khi cong lưng xuống.
- Nếu cảm thấy đau, hãy dừng lại ngay.
Bài tập wall slide – Trượt trường
Tác dụng: Tác động đến cơ mông, cơ đùi trước và cơ lưng dưới. Bài tập này giúp cải thiện sức mạnh cho các cơ vùng chân và lưng, đồng thời tăng cường tính linh hoạt cho khớp gối và khớp hông.
- Bước 1: Đứng thẳng, lưng dựa sát vào tường, hai chân mở rộng bằng vai.
- Bước 2: Đặt hai tay lên hông, giữ cơ thể thẳng. Nhấn lưng vào tường, từ từ trượt xuống cho đến khi đầu gối gập thành góc 90 độ.
- Bước 3: Giữ tư thế trong vài giây, sau đó đẩy người lên trở về vị trí ban đầu.
Bài tập xoay vùng chậu ra phía sau
Tác dụng: Giúp giảm căng thẳng ở lưng dưới và cải thiện sự linh hoạt của khung chậu. Động tác này tác động chính lên các nhóm cơ cốt lõi như cơ bụng, cơ mông và cơ lưng dưới, đặc biệt là cơ thắt lưng chậu.
- Bước 1: Nằm trên sàn, hai chân duỗi thẳng, hai tay thả lỏng bên hông.
- Bước 2: Gập đầu gối trái, đưa chân trái sang phải và đặt bàn chân trái lên sàn bên ngoài đầu gối phải.
- Bước 3: Đặt tay trái lên đầu gối trái và từ từ xoay đầu sang phải, nhìn theo hướng vai phải. Tay phải có thể duỗi thẳng ra sau hoặc đặt trên sàn.
- Bước 4: Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây đến 1 phút, hít thở sâu và đều. Trở lại tư thế ban đầu: Từ từ trở lại tư thế ban đầu, sau đó đổi bên và lặp lại.
Bài tập ép đầu gối tới ngực
Tác dụng: Bài tập này kéo dài các nhóm cơ vùng hông, cơ mông lớn, cơ đùi sau và đặc biệt là cơ lưng dưới. Những cơ này thường bị căng và co rút, dẫn đến chèn ép dây thần kinh và gây đau. Thực hiện bài tập này giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa, giãn cơ và cải thiện tuần hoàn máu tại khu vực lưng dưới.
- Bước 1: Nằm ngửa trên thảm với hai chân duỗi thẳng.
- Bước 2: Từ từ kéo một gối lên phía ngực bằng cả hai tay, giữ cho chân còn lại duỗi thẳng trên sàn.
- Bước 3: Giữ tư thế kéo trong khoảng 20-30 giây, tập trung hít thở đều và cảm nhận sự căng giãn ở lưng và hông.
- Bước 4: Thả chân về tư thế ban đầu và đổi bên.
Bài tập ép đầu gối tới ngực bằng hai chân
Tác dụng: Bài tập này tác động mạnh đến nhóm cơ vùng lưng dưới, cơ mông và cơ gân kheo. Khi kéo gối về phía ngực, cột sống được giãn ra, giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa, từ đó giảm đau và căng cơ.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa trên thảm với hai chân duỗi thẳng, tay đặt thoải mái dọc theo thân người.
- Bước 2: Dùng cả hai tay ôm lấy hai chân, sau đó nhẹ nhàng kéo cả hai gối về phía ngực. Có thể đặt tay dưới nhượng chân để tạo lực đẩy.
- Bước 3: Khi đầu gối đã sát ngực, giữ tư thế này khoảng 15-30 giây. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận được sự căng ở vùng thắt lưng và cơ mông.
- Bước 4: Từ từ thả lỏng chân và quay trở lại tư thế ban đầu, hít thở đều để thư giãn cơ bắp.
- Bước 5: Thực hiện 2-3 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài tập tư thế nhân sư
Tác dụng: Tập trung vào việc giãn cơ và giảm áp lực lên dây thần kinh. Động tác này chủ yếu tác động đến nhóm cơ lưng dưới, cơ bụng và cơ hông, hỗ trợ làm giảm căng thẳng lên cột sống, giúp mở rộng khoảng cách giữa các đốt sống và giải phóng áp lực lên dây thần kinh tọa.
Các bước thực hiện bài tập:
- Bước 1: Bắt đầu bằng việc nằm sấp trên mặt sàn phẳng, hai chân duỗi thẳng và khép nhẹ lại.
- Bước 2: Đưa hai khuỷu tay chống xuống sàn, ngay dưới vai, sao cho khuỷu tay vuông góc với mặt đất, hai bàn tay hướng về phía trước và giữ khoảng cách giữa hai tay ngang bằng vai.
- Bước 3: Từ từ dùng lực khuỷu tay nâng phần trên của cơ thể, trong khi vẫn giữ hông và chân chạm mặt sàn.
- Bước 4: Duy trì tư thế này từ 5 đến 10 giây, hít thở đều để thư giãn các cơ. Hãy chú ý không căng thẳng cổ và vai. Từ từ hạ phần trên cơ thể trở về tư thế nằm sấp ban đầu.
Bài tập nằm chống tay
Tác dụng: Bài tập này giúp giảm áp lực dây thần kinh, cải thiện vận động cột sống và thúc đẩy hồi phục tự nhiên. Khi thực hiện, cột sống thắt lưng được kéo giãn, tạo không gian cho dây thần kinh, giúp giảm đau.
- Bước 1: Nằm sấp xuống sàn với hai tay đặt ngang ngực, lòng bàn tay úp xuống, chân duỗi thẳng, đầu và cổ thả lỏng.
- Bước 2: Từ từ chống thẳng hai tay lên, giữ phần hông và xương chậu tiếp xúc với sàn. Khi nâng lên, cột sống thắt lưng sẽ tạo thành đường cong nhẹ, cảm nhận sự căng giãn ở vùng lưng dưới.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế chống tay này trong 5-10 giây, tập trung vào việc giữ hông không nhấc khỏi mặt sàn, cảm nhận sự kéo dãn nhẹ nhàng ở lưng dưới.
- Bước 4: Từ từ hạ cơ thể xuống trở về tư thế nằm sấp ban đầu. Thực hiện lặp lại từ 8-10 lần, tùy vào mức độ thoải mái và khả năng của cơ thể.
Bài tập duỗi thắt lưng
Tác dụng: Bài tập duỗi thắt lưng giúp cải thiện linh hoạt và tăng cường sức mạnh cho cơ lưng dưới, cơ mông và cơ bụng, hỗ trợ quá trình hồi phục cho người bị đau thần kinh tọa. Bài tập giảm áp lực lên cột sống, cải thiện tư thế, giãn cơ, giảm căng cứng và đau nhức, đồng thời kích thích tuần hoàn máu đến khu vực bị tổn thương.
- Bước 1: Bắt đầu với tư thế đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, hai tay đặt sau thắt lưng để tạo điểm tựa. Hít thở sâu, giữ lưng thẳng và cơ thể thoải mái.
- Bước 2: Từ từ ngả lưng về phía sau cho đến mức mà bạn cảm thấy thoải mái và chịu được. Giữ lại trong khoảng 10-15 giây, cảm nhận sự giãn nở ở cơ lưng và cơ mông.
- Bước 3: Nhẹ nhàng trở về tư thế đứng ban đầu, đồng thời thở ra để thư giãn cơ thể.
Bài tập kéo giãn nhóm cơ 2 bên thân mình
Tác dụng: Các nhóm cơ chính như cơ lưng, cơ liên sườn và cơ hông được kéo giãn, giúp giải phóng áp lực lên dây thần kinh tọa, đồng thời giảm căng thẳng trong vùng lưng dưới.
- Bước 1: Ngồi trên sàn nhà với hai chân duỗi thẳng về phía trước. Đảm bảo lưng thẳng và giữ tư thế thoải mái.
- Bước 2: Gập một chân và bắt chéo sang chân còn lại, đặt bàn chân lên đùi trong của chân duỗi thẳng.
- Bước 3: Nhẹ nhàng xoay thân về phía chân đã bắt chéo. Đặt tay ra sau lưng để hỗ trợ giữ thăng bằng.
- Bước 4: Nếu cảm thấy chưa đủ căng, bạn có thể nhẹ nhàng nhìn về phía vai đang xoay, giúp tăng cường độ kéo giãn cho các nhóm cơ bên đối diện.
- Bước 5: Duy trì tư thế này trong khoảng 15-30 giây, hít thở đều để cảm nhận sự giãn cơ. Sau khi giữ tư thế, từ từ trở về vị trí ngồi ban đầu và lặp lại với chân còn lại.
Bài tập kéo giãn cơ lưng dưới và cơ dựng sống
Tác dụng: Động tác này giúp giảm căng thẳng vùng lưng, cải thiện linh hoạt cho các nhóm cơ như cơ dựng sống, lưng dưới và cơ mông. Việc kéo giãn này không chỉ giảm đau mà còn tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ quá trình phục hồi hiệu quả.
Bài tập tư thế chim bồ câu
Tác dụng: Tư thế chim bồ câu là một trong những tư thế yoga phổ biến và hiệu quả trong việc kéo giãn các cơ xung quanh hông, đặc biệt là cơ piriformis – một trong những nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa.
- Bước 1: Quỳ gối trên sàn, hai tay chống xuống sàn, lưng thẳng.
- Bước 2: Đưa một chân về phía trước, đặt đầu gối xuống sàn, chân kia duỗi thẳng ra sau.
- Bước 3: Đưa bàn chân phải qua bên trái cơ thể hoặc phía dưới xương chậu. Trượt chân trái thẳng ra phía sau. Lưng bàn chân trái phải đặt trên sàn
- Bước 4: Nhẹ nhàng hạ khung chậu xuống phía sàn. Giữ cho hai bắp đùi thẳng hàng ra phía trước. Nếu bắp đùi không với đến sàn được thì có thể đặt một chiếc mền gấp lại dưới bắp đùi để đỡ
- Bước 5: Trượt bàn tay ra phía trước dọc theo sàn nhà và hạ hai cùi chỏ xuống sàn. Tiếp tục trượt hai bàn tay cho đến khi hai tay thẳng ra, nhưng không gồng hai cùi chỏ
- Bước 6: Thở ra trong khi hạ ngực xuống sàn. Đặt trán lên sàn nhà
- Bước 7: Nhẹ nhàng ấn bắp đùi trái về phía sàn để giúp cho hai bắp đùi thẳng hàng với nhau. Giữ tư thế từ 15 đến 1 phút và đổi chân.
Bài tập gập bụng
Tác dụng: Bài tập gập bụng là một trong những phương pháp hiệu quả giúp giảm triệu chứng đau thần kinh tọa, đồng thời tăng cường sức mạnh cho vùng cơ bụng và lưng dưới. Khi thực hiện bài tập này, cơ bụng, cơ lưng dưới và cơ hông được tác động mạnh mẽ, giúp cải thiện sự ổn định của cột sống và giảm áp lực lên các đĩa đệm. Điều này không chỉ giúp giảm cơn đau mà còn tăng cường khả năng vận động cho người bị đau thần kinh tọa.
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, 2 đầu gối co lại với nhau
- Bước 2: Từ từ nâng đầu và vai lên khỏi sàn, hướng mắt về phía đầu gối.
- Bước 3: Vươn tay về phía trước, cố gắng chạm nhẹ vào đầu gối, giữ tư thế trong vài giây.
- Bước 4: Hạ đầu và vai xuống, trở về vị trí ban đầu, thả lỏng cơ thể và lặp lại động tác.
Bài tập ổn định cột sống lưng dưới
Tác dụng: Động tác này củng cố các nhóm cơ quan trọng như cơ bụng, lưng dưới và mông, giúp tăng cường sức mạnh, cải thiện linh hoạt và ổn định cột sống. Nhờ đó, áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh giảm, từ đó cải thiện triệu chứng đau và ngăn ngừa tái phát.
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, một chân co, một chân duỗi thẳng, hít thở nhịp nhàng.
- Bước 2: Siết chặt cơ bụng, từ từ nâng chân duỗi lên tạo góc 50-60º so với sàn.
- Bước 3: Giữ chân ở tư thế này trong vài giây, giữ thăng bằng và hít thở đều. Hạ chân xuống từ từ, trở lại vị trí ban đầu.
Bài tập Bird Dog – Ổn định toàn bộ cột sống
Tác dụng: Sự kết hợp giữa nâng tay và chân kích thích cơ cốt lõi, cải thiện thăng bằng và hỗ trợ cột sống, giảm áp lực lên dây thần kinh. Bài tập còn thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm co thắt cơ và hỗ trợ phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị đau thần kinh tọa.
- Bước 1: Bắt đầu ở tư thế quỳ, chống hai tay và hai gối lên sàn hoặc thảm, giữ lưng thẳng, hít thở đều.
- Bước 2: Siết chặt cơ bụng, từ từ nâng một tay lên cao ngang vai, đồng thời duỗi thẳng chân đối diện, đưa lên ngang hông.
- Bước 3: Giữ tư thế này trong vài giây, tập trung giữ thăng bằng và hít thở đều.
- Bước 4: Hạ tay và chân về vị trí ban đầu một cách chậm rãi, sau đó lặp lại với tay và chân đối diện.
Các lưu ý khi thực hiện bài tập hỗ trợ giảm đau thần kinh tọa
Lựa chọn bài tập phù hợp
Đau thần kinh tọa thường khởi phát từ vùng mông và các cơ mông, gây ra cảm giác đau từ nhẹ đến nghiêm trọng dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tình trạng này có thể cản trở khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, việc lựa chọn bài tập phù hợp là rất quan trọng. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để xác định những bài tập an toàn và hiệu quả, từ đó xây dựng một kế hoạch tập luyện cá nhân hóa, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Điều chỉnh cường độ tập luyện
Trước khi bắt đầu, bạn nên dành khoảng 10 phút để khởi động và làm nóng cơ thể một cách nhẹ nhàng. Khi bắt đầu bài tập, hãy chọn cường độ nhẹ để cơ thể có thời gian làm quen. Sau đó, bạn có thể từ từ tăng cường độ bài tập theo khả năng của mình. Tránh tập luyện với cường độ quá cao, vì điều này có thể dẫn đến chấn thương không mong muốn.
Thời gian luyện tập
Người bệnh nên dành khoảng 20-30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Thời điểm lý tưởng để tập là vào buổi sáng, ở những nơi bằng phẳng, có không khí trong lành và thoáng đãng. Trong quá trình tập, hãy nhớ kết hợp nhịp thở đều để duy trì năng lượng và giảm cảm giác mệt mỏi. Tạo thói quen tập luyện thường xuyên không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục hiệu quả cho những người bị đau thần kinh tọa.
Kết hợp bài tập trị liệu thần kinh cột sống và bài tập phục hồi chức năng tại Optimal365 Chiropractic.
Optimal365 Chiropractic mang đến giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện và tối ưu cho bệnh nhân thông qua các phương pháp trị liệu thần kinh cột sống kết hợp bài tập phục hồi chức năng. Với sự hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao cùng công nghệ hiện đại, chúng tôi cam kết mang đến cho bệnh nhân một lộ trình phục hồi cá nhân hóa dựa trên tình trạng và nhu cầu của từng bệnh nhân, từ đó phát huy tối đa hiệu quả của bài tập trị liệu. Không chỉ tập trung vào việc giảm đau tạm thời, phương pháp của chúng tôi hướng đến việc điều trị tận gốc các vấn đề về cột sống và thần kinh tọa, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống một cách bền vững.
Hy vọng thông qua 18 bài tập giảm đau thần kinh tọa mà Optimal365 Chiropractic đã chia sẻ, bạn đọc có thể kiểm soát cơn đau hiệu quả và cải thiện khả năng vận động. Thực hiện đúng kỹ thuật và duy trì tập luyện thường xuyên giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa, tăng cường sức mạnh cho cơ lưng và cải thiện độ linh hoạt của vùng thắt lưng. Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tối ưu, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn chuyên môn, điều chỉnh phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.
Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:
1. Shnayderman, I., & Katz-Leurer, M. (2018). Exercise therapy for low back pain: A systematic review and meta-analysis. American Journal of Physical Medicine & Rehabilitation, 97(10), 789-801. https://doi.org/10.1097/PHM.0000000000000944
2. WebMD Editorial Contributor. (2020, November 19). Sciatica: Exercises for pain relief. WebMD. https://www.webmd.com/pain-management/sciatica-exercises-pain-relief
3. Heitz, D. (2024, February 2). 9 stretches for sciatica pain relief. Healthline. https://www.healthline.com/health/back-pain/sciatic-stretches
4. Cpt, D. R. M. C. (n.d.). 3 simple stretches for sciatica pain relief. Spine-health. https://www.spine-health.com/blog/3-simple-stretches-sciatica-pain-relief
5. Cscs, B. J. P. D. O. (n.d.). Stretches and Exercises to Ease Sciatica Pain, from a PT. Hospital for Special Surgery. https://www.hss.edu/article_sciatica-stretches.asp