Loader logo

Các loại chấn thương vai thường gặp và cách điều trị hiệu quả

thumbnail
By optimal_365
23/10/2024
|

Trong cuộc sống hàng ngày, con người có thể gặp phải tình trạng chấn thương vai do tai nạn, té ngã, tập thể thao, mang vác vật nặng… Những chấn thương này có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và sẽ gây ra những hậu quả khó lường nếu không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng Optimal365 Chiropractic tìm hiểu chi tiết về các loại chấn thương vai và cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau đây.

Cấu tạo và chức năng của khớp vai

Khớp vai là một trong những khớp quan trọng nhất của cơ thể, cho phép phạm vi chuyển động rộng rãi và thực hiện nhiều hoạt động thể chất khác nhau. Khớp vai được cấu tạo từ ba xương chính: xương bả vai, xương đòn và đầu trên xương cánh tay.

  • Xương đòn (clavicle) : Là cầu nối xương vai với xương ức và tạo thành khớp ức đòn, giúp ổn định và tăng phạm vi chuyển động cho vùng vai.
  • Xương bả vai (scapula) : Xương có hình tam giác, giữ nhiệm vụ nối xương cánh tay trên với khu vực xương đòn và thành ngực.
  • Xương cánh tay (humerus) : Cấu trúc xương thẳng, dài. đây là xương có kích thước lớn nhất ở khu vực chi trên.

Ngoài ra, khớp vai được bao bọc và bảo vệ bởi một hệ thống phức tạp gồm các cơ, dây chằng và bao khớp gồm:

  • Các cơ: cơ ngực lớn, cơ ngực bé, cơ lưng rộng, cơ thang và cơ răng trước đảm nhận chức năng tạo ra chuyển động và duy trì ổn định.
  • Dây chằng: dây chằng mỏm – quạ và dây chằng ổ chảo – xương cánh tay kết nối các xương, hạn chế chuyển động quá mức và tăng cường sự ổn định.
  • Bao khớp : Giúp bao bọc toàn bộ khớp vai, cung cấp chất dịch bôi trơn, giảm ma sát và nuôi dưỡng các mô xung quanh, góp phần vào chức năng vận động linh hoạt của vai.
Khớp vai có cấu tạo phức tạp với nhiều bộ phận
Khớp vai có cấu tạo phức tạp với nhiều bộ phận

Nguyên nhân gây chấn thương khớp vai

Do chơi thể thao

Các động tác như xoay vai đột ngột, ngã đập vai xuống đất quá mạnh, vung tay quá cao, nâng – đẩy vật nặng,… khi chơi thể thao là những tình huống dễ làm khớp vai bị tổn thương. Nhóm đối tượng dễ gặp phải loại chấn thương thể thao này là các vận động viên chơi các bộ môn như bóng chuyền, quần vợt, đá bóng, cử tạ, bơi lội,…

Trong Nghiên cứu về chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị các chấn thương vai thường gặp trong thể thao của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cho thấy:

  • Trong bơi lội, tỷ lệ chấn thương vai chiếm từ 23 – 38%
  • Tỷ lệ vận động viên bóng chuyền bị đau vai trong mùa giải chiếm 23%
  • Chấn thương vai trong bóng ném lên tới 44 – 75%

Theo ghi nhận, tỷ lệ chấn thương đang ngày càng tăng cao và có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, tần suất cũng như mức độ thi đấu.

Chấn thương vai do té ngã, sai động tác khi chơi thể thao
Chấn thương vai do té ngã, sai động tác khi chơi thể thao

Do té ngã, tai nạn

Va chạm trong tai nạn giao thông hoặc bị té ngã từ trên cao xuống có thể dẫn đến các chấn thương như trật khớp vai, rách sụn viền khớp hay gãy xương đòn. Cú té ngã hoặc vụ va chạm càng mạnh thì mức độ tổn thương khớp vai càng nghiêm trọng. Đôi khi những cú té ngã đập đất do trượt chân khi chạy nhảy, vui chơi, sinh hoạt bình thường cũng sẽ làm vai bị chấn thương.

Do tập thể hình (Gym)

Chấn thương vai khi tập thể hình là tình trạng rất thường gặp với các gymer. Nguyên nhân chính là tập sai kỹ thuật, tập luyện quá sức hoặc dùng các dụng cụ không phù hợp với sức lực của mình. Đặc biệt, các động tác tập với tạ như nâng tạ qua đầu, hạ tạ xuống vai sau rất dễ dẫn đến chấn thương khớp vai như trật khớp vai, rạn cơ chóp xoay, nứt hoặc gãy xương vai,…

Tập thể hình sai cách rất dễ gây chấn thương vai cho người tập
Tập thể hình sai cách rất dễ gây chấn thương vai cho người tập

Hoạt động lặp đi lặp lại

Mọi người thường quan niệm rằng chấn thương ở vai chỉ xảy ra do va chạm, té ngã. Trên thực tế, các hoạt động lặp đi lặp lại như sơn tường, cuốc đất, xách nước,… cũng là nguyên nhân chính khiến khớp vai bị tổn thương.

Khi vai liên tục thực hiện cùng một chuyển động sẽ tạo ra áp lực lớn tác động lên phần trên của xương bả vai. Về lâu dài sẽ làm xương bị rạn nứt gây đau đớn khó chịu. Ngoài ra, phần gân cũng phải thường xuyên làm việc ở cường độ cao, dẫn đến viêm gân, bong gân.

Các hoạt động lặp đi lặp lại khiến khớp vai bị tổn thương
Các hoạt động lặp đi lặp lại khiến khớp vai bị tổn thương

Mang vác vật nặng

Hành động mang vác đồ vật nặng trực tiếp bằng vai và tay trong thời gian dài mà không được hỗ trợ bởi bất cứ dụng cụ lao động nào có thể dẫn đến tình trạng kích ứng gân, bong gân, viêm gân hoặc trật khớp vai. Do đó khi cần nâng đồ vật nặng, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của người xung quanh hoặc máy móc, tránh để vai phải chịu áp lực quá lớn thường xuyên.

loại chấn thương vai phổ biến

Một số chấn thương khớp vai phổ biến, có nhiều mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng mà Optimal365 Chiropractic đã tổng hợp được:

Trật khớp bả vai

Trật khớp vai là tình trạng phần chỏm cầu ở đầu trên xương cánh tay bị lệch ra khỏi ổ chảo của xương bả vai, khiến cấu trúc khớp vai mất ổn định. Loại chấn thương này rất thường gặp do té ngã hoặc va chạm khi chơi thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá.

Người bệnh có thể bị trật khớp vai một phần (lệch một phần chỏm cầu xương cánh tay so với ổ chảo) hoặc trật khớp vai hoàn toàn (chỏm cầu xương cánh tay bị bật ra khỏi ổ chảo). Có 3 nhóm trật khớp vai bao gồm trật khớp ra phía trước, trật khớp ra phía sau và trật khớp xuống dưới.

Các triệu chứng phổ biến của tình trạng trật khớp vai:

  • Cơn đau khớp vai đột ngột với mức độ dữ dội.
  • Cánh tay bị yếu, khó cử động.
  • Vùng quanh khớp vai có thể sưng tấy và xuất hiện bầm tím do tổn thương mô mềm.
  • Cảm giác tê hoặc yếu ở cánh tay do chèn ép dây thần kinh.
  • Phần khớp vai bị biến dạng rõ ràng, có thể thấy hõm ở khớp khi sờ vào.
Trật khớp bả vai thường gặp khi chơi thể thao hay té ngã
Trật khớp bả vai thường gặp khi chơi thể thao hay té ngã

Cứng khớp vai

Khi gặp chấn thương, phần khớp vai thường xảy ra hiện tượng cứng khớp. Nguyên nhân là bao dịch khớp bị gia tăng kích thước bất thường khiến khớp vai không thể cử động tự do. Vì thế, loại chấn thương vai này còn được gọi là “đóng băng” vai.

Tình trạng cứng khớp gai phát triển theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đau nhức (kéo dài từ 1 – 9 tháng) – Giai đoạn đông cứng (kéo dài từ 4 – 6 tháng) – Giai đoạn phục hồi (kéo dài từ 6 tháng – 2 năm).

Người bệnh bị cứng khớp vai thường xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Đau nhức âm ỉ phần bả vai, lan tỏa ra khắp cánh tay.
  • Khó khăn trong việc nâng cánh tay, quay vai, hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày như chải tóc hoặc mặc áo.
  • Nếu tình trạng bệnh chuyển sang giai đoạn đông cứng sẽ không thể di chuyển được khớp vai.

Giãn, rách dây chằng khớp vai

Mặc dù có cấu tạo phức tạp nhưng khớp vai chỉ có một dây chằng quạ – mỏm cùng vai làm nhiệm vụ kết nối giữa xương bả vai và mỏm cùng vai. Dây chằng này có thể bị giãn quá mức, rách hoặc đứt khi người bệnh mang vác vật nặng, vận động quá sức, tập thể dục sai tư thế,… Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh xương khớp cọ sát vào nhau gây viêm.

Một số triệu chứng thường gặp khi bị giãn, rách dây chằng khớp vai là:

  • Cơn đau nhức dữ dội xảy ra bất ngờ ở phần khớp vai, có thể lan rộng khắp cánh tay và lưng.
  • Dây chằng bị giãn quá mức hoặc rách bị sưng và bầm tím.
  • Bị giới hạn cử động ở vai và tay.
Dây chằng bị rách hoặc đứt do co giãn quá mức
Dây chằng bị rách hoặc đứt do co giãn quá mức

Tổn thương sụn viền khớp vai

Sụn viền khớp vai được gắn ở viền ổ chảo xương bả vai, có hình chữ C và dạng sợi. Tổn thương sụn viền khớp vai thường xảy ra ở 2 dạng:

  • Sụn viền khớp vai bong khỏi ổ chảo, kèm theo trật khớp vai hoàn toàn hoặc trật khớp vai một phần.
  • Rách sụn viền khớp vai phía trước (Bankart) hoặc rách sụn viền khớp vai phía sau (SLAP – Superior Labral Tear Anterior To Posterior).

Người bệnh bị tổn thương sụn viền khớp vai sẽ gặp các triệu chứng như sau:

  • Cơn đau ê ẩm ở khớp vai, có thể lan xuống cánh tay.
  • Có âm thanh lạo xạo khi cử động khớp via.
  • Hạn chế khả năng vận động, giảm biên độ cử động khớp vai.

Gãy xương bả vai

Lực tác động mạnh do té ngã, tai nạn có thể làm xương bả vai bị rạn nứt hoặc gãy. Loại chấn thương vai này dễ xảy ra nhất ở phần đầu hoặc phần thân của xương cánh tay và xương đòn.

Các triệu chứng đặc trưng của tình trạng gãy xương bả vai là:

  • Đau đớn tại vị trí gãy, cơn đau nhanh chóng lan tỏa khắp phần bả vai.
  • Sưng to và bầm tím khu vực khớp vai.
  • Khó khăn khi nhấc cánh tay lên, có tiếng động rắc rắc khi di chuyển khớp vai.
  • Có thể nhìn thấy hoặc chạm thấy phần đầu xương nhô lên khỏi da.
Tác động lực mạnh làm gãy xương bả vai
Tác động lực mạnh làm gãy xương bả vai

Rách cơ chóp xoay (Rotator Cuff)

Cơ chóp xoay được hợp thành từ 4 cơ gồm cơ dưới vai, cơ tròn bé, cơ trên gai và cơ dưới gai. Đây là nhóm cơ quan trọng có nhiệm vụ ổn định khớp vai và cánh tay, giúp thực hiện các động tác nâng – hạ cánh tay dễ dàng.

Cơ chóp xoay có thể hoạt động quá mức và bị rách khi người bệnh chơi các môn thể thao cần thực hiện các động tác vai lặp đi lặp lại như quần vợt, cầu lông, bơi lội,… Có 2 dạng rách cơ chóp xoay là rách một phần và rách toàn bộ.

Các triệu chứng thường gặp khi bị rách cơ chóp xoay là:

  • Cơn đau xuất hiện ở vùng vai, có thể lan sang cổ, cánh tay, nhất là vào ban đêm.
  • Bị yếu cánh tay, khó có thể thực hiện cả những hành động đơn giản như chải đầu, mặc áo,…
  • Có âm thanh tanh tách khi cố gắng di chuyển vai.
  • Khó khăn khi nằm nghiêng ở bên vai bị chấn thương.

Bong gân khớp vai

Bong gân khớp vai là tình trạng các gân giữ ổn định vai bị co giãn quá mức dẫn đến rách hoặc bong tách khỏi xương. Dạng chấn thương vai này được chia thành 3 cấp độ tùy vào mức độ tổn thương của gân và tình trạng tách biệt gân – cơ – xương, cụ thể:

  • Cấp độ 1 : Phần gân bị kéo căng hoặc rách một phần nhưng chưa tách rời khỏi xương, khả năng hoạt động của khớp vai vẫn diễn ra bình thường.
  • Cấp độ 2 : Gân xuất hiện vết rách lớn, không còn bám chặt vào xương, khả năng hoạt động của khớp vai bị giảm sút.
  • Cấp độ 3 : Gân đã hoàn toàn tách rời khỏi xương, phần khớp vai không còn khả năng thực hiện các các hoạt động thường ngày.

Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh bong gân khớp vai là:

  • Đau nhức toàn bộ phần khớp vai và cánh tay.
  • Sưng phù, bầm tím quanh khớp vai.
  • Hạn chế phạm vi cử động của khớp vai. Với tình trạng bong gân nặng có thể bị mất chức năng vận động khớp vai.
  • Yếu khớp vai.
  • Âm thanh bốp ngay khi xảy ra bong gân khớp vai.
Gân bị giãn quá mức khiến khớp vai bị bong gân
Gân bị giãn quá mức khiến khớp vai bị bong gân

Mất vững khớp vai

Mất vững khớp vai còn được gọi là không ổn định khớp vai là dạng chấn thương vai rất thường gặp khi chơi thể thao. Tình trạng này xảy ra khi chỏm cầu xương cánh tay có dấu hiệu bị lệch hoặc bong khỏi ổ chảo xương bả vai. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến trật khớp vai bán phần. Ngoài ra, bệnh có thể chuyển thành mãn tính khi mất vững khớp vai tái đi tái lại nhiều lần.

Các triệu chứng phổ biến của tình trạng mất vững khớp vai là:

  • Đau đớn vùng vai khi nâng cánh tay lên cao.
  • Lỏng lẻo cấu trúc khớp vai khiến các cử động vai và tay không theo ý muốn.
  • Yếu vai và cánh tay, không thể nắm chắc hoặc nâng đồ vật nặng.

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là bộ phận chứa chất nhầy nằm giữa cơ trên gai và mỏm xương cùng, đón vai trò như một túi đệm làm giảm ma sát và giúp cơ xương hoạt động trơn tru. Bao hoạt dịch có thể bị kích thích hoặc sưng viêm khi người bệnh thường xuyên lặp lại cùng một chuyển động ở khớp vai hoặc do va chạm, té ngã.

Một số dấu hiệu thường gặp giúp nhận biết tình trạng viêm bao hoạt dịch là:

  • Cơn đau vùng vai khi giang tay hoặc nâng tay lên cao.
  • Khó xác định cụ thể vị trí đau tại khớp vai.
  • Sưng viêm, tấy đỏ vùng khớp vai.
  • Gặp khó khăn khi thực hiện các động tác thường ngày như cầm nắm, mặc áo.
Viêm bao hoạt dịch làm giảm khả năng vận động khớp vai
Viêm bao hoạt dịch làm giảm khả năng vận động khớp vai

Phương pháp điều trị chấn thương vai

Chấn thương vai tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể chuyển biến xấu và dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Theo đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ và loại chấn thương để chỉ định phác đồ chữa trị cụ thể với mục tiêu làm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ phẫu thuật.

Chườm lạnh

Cách sơ cứu hiệu quả tại nhà mà người bệnh nên áp dụng ngay là chườm lạnh lên vùng chấn thương, nhất là khi khớp vai bị sưng to, đỏ hoặc bầm tím. Phương pháp này giúp co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến khu vực tổn thương, làm giảm đau và viêm sưng đáng kể. Tốt nhất người bệnh nên chườm lạnh trong 48 giờ từ khi bị chấn thương, mỗi lần chườm từ 15 – 20 phút, thực hiện từ 3 – 4 lần mỗi ngày.

Sơ cứu chấn thương vai hiệu quả bằng cách chườm lạnh
Sơ cứu chấn thương vai hiệu quả bằng cách chườm lạnh

Nghỉ ngơi

Khi bị chấn thương khớp vai, người bệnh tuyệt đối không thực hiện các động tác tăng áp lực lên vai như dang tay rộng, nâng tay qua đầu, gõ bàn phím liên tục,… hoặc mang vác vật nặng. Cần để vai được nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi và chỉ quay trở lại với các hoạt động thường ngày khi chấn thương đã khôi phục.

Sử dụng thuốc giảm đau

Ở mức độ chấn thương vai nhẹ, chỉ liên quan đến các tổn thương phần mềm như gân, cơ, dây chằng, phần vai bị sưng đau, bầm tím nhưng vẫn có thể cử động được. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm để nhanh chóng làm dịu cơn đau. Đơn thuốc thường được sử dụng trong 1 – 2 tuần để kiểm soát cơn đau hiệu quả hơn.

Lưu ý: Đối với những trường hợp nặng, thuốc giảm đau chỉ giúp kiểm soát cơn đau ngắn hạn và không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề gây chấn thương.

Điều trị chấn thương vai theo đơn thuốc bác sĩ kê toa
Điều trị chấn thương vai theo đơn thuốc bác sĩ kê toa

Tiêm corticosteroid

Một số trường hợp thuốc uống không phát huy hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào vai. Phương pháp này giúp giảm đau nhanh hơn nhưng không nên lạm dụng. Theo khuyến nghị không tiêm nhiều hơn 2 – 3 mũi trong cùng 1 năm.

Chiropractic kết hợp với Vật lý trị liệu và bài tập phục hồi chức năng

Phương pháp Trị liệu thần kinh cột sống – Chiropractic kết hợp tập vật lý trị liệu được nhiều khách hàng tại Optimal365 Chiropractic đánh giá cao khi điều trị các loại chấn thương vai. Đây là phương pháp giúp phục hồi cấu trúc vai an toàn, hiệu quả mà không cần tiêm, không dùng thuốc, không phẫu thuật.

  • Trị liệu thần kinh cột sống: Điều chỉnh và tác động chính xác vào vị trí tổn thương, giảm áp lực lên các rễ thần kinh xung quanh. Giúp khôi phục lại vị trí chính xác của các khớp sai lệch.
Điều trị chấn thương vai hiệu quả tại Optimal365 Chiropractic
Điều trị chấn thương vai hiệu quả tại Optimal365 Chiropractic
  • Trị liệu cơ chuyên sâu: Giúp làm giảm tình trạng căng thẳng và co thắt cơ, tăng cường lưu thông máu đến vùng bị chấn thương, thúc đẩy quá trình phục hồi mô và giảm sưng. Làm mềm các mô cơ và dây chằng xung quanh khớp vai, giúp cải thiện khả năng vận động của khớp.
  • Trị liệu công nghệ cao: Sử dụng máy móc công nghệ cao như laser và điện trị liệu giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả thông qua các tác động sinh học. Tăng cường sự phục hồi của các mô, giảm viêm và tăng cường quá trình lành thương.
  • Bài tập phục hồi chức năng: Hệ thống bài tập phục hồi giúp tăng cường sức mạnh của các nhóm cơ xung quanh khớp vai, giúp khớp ổn định hơn và giảm nguy cơ chấn thương tái phát, cải thiện khả năng vận động của khớp vai, cho phép thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng hơn.

Với đội ngũ bác sĩ đến từ Mỹ, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chiropractic sẽ nghiên cứu cụ thể từng tình trạng bệnh lý của khách hàng để thiết kế phác đồ điều trị cá nhân hóa tối ưu nhất, đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Bên cạnh đó, đội ngũ Kỹ thuật viên cũng tư vấn chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học và lành mạnh, đồng thời hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để giúp khách hàng nhanh chóng cải thiện cơn đau, thuyên giảm triệu chứng và khôi phục chức năng vận động.

Phẫu thuật

Đối với trường hợp chấn thương khớp vai nghiêm trọng, đã áp dụng mọi biện pháp điều trị bảo tồn nhưng không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Tùy vào loại chấn thương, bác sĩ sẽ thực hiện hình thức phẫu thuật phù hợp như mổ nội soi hoặc mổ truyền thống. Tuy nhiên, phương pháp này thường tồn tại nhiều rủi ro nên bác sĩ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Biện pháp phòng tránh chấn thương vai

Chấn thương vai có thể phòng ngừa được nếu mỗi người có ý thức bảo vệ khớp vai và thực hiện các hoạt động đúng cách. Sau đây là một số biện pháp giúp bạn tránh khỏi tình trạng chấn thương khớp vai.

  • Làm việc và nghỉ ngơi đúng cách khi làm việc : Chẳng hạn như chọn ghế ngồi có điểm tựa lưng, nên đi lại sau khoảng 1 tiếng ngồi làm việc liên tục, xoa bóp, massage vùng cổ vai gáy nếu bị mỏi, đau nhức,…
  • Nâng vật nặng ở tư thế đúng : Ngồi sát vật cần nâng với lưng thẳng, uốn cong đầu gối. Tiếp theo dùng sức ở đùi và thân dưới đứng thẳng dậy để nâng vật nặng lên, tránh dồn sức vào vai và lưng.
  • Nếu cần lấy đồ vật trên cao nên dùng ghế hoặc thang.
  • Duy trì lối sống lành mạnh và khoa học : Thực hiện chế độ ăn khoa học, đầy đủ khoáng chất và vitamin. Kết hợp rèn luyện cơ thể, tập thể dục thể thao điều độ hàng ngày để tăng cường sức khỏe cơ xương khớp.
  • Luôn khởi động cẩn thận trước khi tập luyện : Không khởi động hoặc khởi động sai cách thường là nguyên nhân gây ra chấn thương vai khi chơi thể thao.
  • Tập luyện ở cường độ phù hợp : Nếu chưa từng tập luyện thể chất hoặc quá lâu chưa tập luyện thì bạn cần bắt đầu với các bài tập đơn giản, sau đó từ từ nâng dần độ khó và thời gian tập. Không nên tập luyện ở cường độ cao đột ngột vì sẽ làm tăng nguy cơ bị chấn thương.
  • Tập luyện đúng kỹ thuật : Đặc biệt với các bài tập nặng, người tập cần thực hiện đúng kỹ thuật và nên thực hiện dưới sự theo dõi, trợ giúp của huấn luyện viên.
  • Không tập luyện gắng sức : Trong quá trình tập thể thao, người tập hãy lắng nghe cơ thể của mình. Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, quá sức thì nên dừng lại nghỉ ngơi vì tập luyện quá sức rất dễ dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng.

Như vậy Optimal365 Chiropractic đã chia sẻ chi tiết về các loại chấn thương vai thường gặp, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả. Mong rằng qua bài viết này, người bệnh sẽ biết cách sơ cứu phù hợp khi gặp chấn thương vai . Nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào hãy đặt lịch khám tại Optimal365 Chiropractic để được thăm khám ngay và điều trị dứt điểm.

Nguồn tài liệu tham khảo tại đây:

1. Aibinder, W. R. (2023, April). Common shoulder injuries. https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/common-shoulder-injuries/

2. Durning, M. V. (2024, June 19). Shoulder pain. (Medically reviewed by Z. Sheikh, MD). https://www.webmd.com/pain-management/why-does-my-shoulder-hurt

3. Firestein GS, et al. Shoulder pain. In: Firestein & Kelley's Textbook of Rheumatology. 11th ed. Elsevier; 2021. http://www.clinicalkey.com. Accessed June 12, 2023.

4. Vaughn A, et al. Evaluation of the patient with shoulder complaints. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed June 12, 2023.

5. Chorley J, et al. Traumatic causes of acute shoulder pain and injury in children and adolescents. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed June 12, 2023.

Đặt lịch hẹn tại Optimal365 để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm!
Gọi đặt lịch